Chứng khoán Mỹ trượt dài; Dầu nối dài đà hạ giá

(ĐTTCO) - Phố Wall ảm đạm vào thứ Sáu (06/09), khi nhà đầu tư đánh giá hậu quả từ báo cáo việc làm tháng 8 yếu kém và rút khỏi các cổ phiếu công nghệ hàng đầu. Giá dầu WTI giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023, khi OPEC+ đã không thể trấn an được thị trường về việc cân bằng cung cầu toàn cầu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
Chứng khoán Mỹ trượt dài; Dầu nối dài đà hạ giá

S&P 500 ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023

Khép phiên, chỉ số S&P 500 sụt 1.73% xuống 5,408.42 điểm, chỉ số Nasdaq Composite hạ 2.55% còn 16,690.83 điểm. Chỉ số này đã bốc hơi hơn 10% so với mức đóng cửa cao kỷ lục. Chỉ số Dow Jones lao dốc 410.34 điểm, tương đương 1.01%, xuống 40,345.41 điểm.

Emily Roland, Đồng giám đốc chiến lược đầu tư tại John Hancock Investment Management, cho rằng: “Đây là động thái do tâm lý thúc đẩy, phần lớn do lo ngại về tăng trưởng.”

Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn lao dốc khi nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tình hình nền kinh tế Mỹ.

Cổ phiếu Amazon mất 3.7% và cổ phiếu Alphabet lùi 4%. Trong khi đó, cổ phiếu Meta Platforms rớt hơn 3%. Cổ phiếu Broadcom trượt 10% do triển vọng quý hiện tại không mấy khả quan. Các cổ phiếu chất bán dẫn khác cũng giảm, với cổ phiếu Nvidia và Advanced Micro Devices đều bốc hơi 4%. Chứng chỉ quỹ VanEck Semiconductor ETF giảm 4% và ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Diễn biến hôm thứ Sáu đã khép lại một tuần đầy biến động đối với thị trường chứng khoán. S&P 500 rớt 4.3% và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Nasdaq Composite hạ 5.8%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2022, còn Dow Jones mất 2.9% trong tuần.

Dữ liệu việc làm mới của tháng 8 đã làm dấy lên lo ngại về thị trường lao động ì ạch. Một đợt dữ liệu suy yếu đã làm tăng lo ngại về tình hình nền kinh tế, khiến thị trường hoang mang và làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro trong những tuần gần đây. Cụ thể, báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 142,000 việc làm trong tháng 8, thấp hơn so với dự báo tăng 161,000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 4.2%, trùng khớp với dự báo.

Nhà đầu tư chủ yếu kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất ít nhất 0.25% khi kết thúc cuộc họp chính sách vào cuối tháng này, nhưng xu hướng thị trường lao động suy yếu đã thúc đẩy nhà đầu tư kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất mạnh hơn. Theo công cụ CME FedWatch, nhà đầu tư đang có 2 luồng ý kiến về việc Fed sẽ hạ lãi suất 0.25% hay 0.50%.

Dầu WTI ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong gần 1 năm

Dầu WTI đã chạm mức đáy 67.17 USD/thùng vào đầu phiên và sụt 8% trong tuần, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2023. Dầu Brent bốc hơi 9.8% trong tuần này.

OPEC+ đã hoãn kế hoạch tăng sản lượng 180,000 thùng/ngày cho đến tháng 12/2024 vì dầu bị bán tháo mạnh. Việc tăng sản lượng sẽ đưa khoảng 2.2 triệu thùng/ngày trở lại thị trường cho đến cuối năm sau.

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu WTI lùi 1.48 USD, tương đương 2.1%, xuống 67.67 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu Brent mất 1.63 USD, tương đương 2.2%, còn 71.06 USD/thùng.

Những thùng dầu sẽ quay trở lại thị trường khi nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc do quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đang nhanh chóng chuyển sang xe điện.

Bank of America đã hạ dự báo giá dầu trong năm 2025 xuống 75 USD/thùng đối với dầu Brent, giảm so với mức 80 USD/thùng trước đó, và xuống 71 USD/thùng đối với dầu WTI, giảm so với mức 75 USD/thùng trước đó.

Trong khi đó, Citi dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình ở mức 60 USD/thùng vào năm tới vì thị trường dự kiến sẽ trở nên dư thừa đáng kể.

Các tin khác