Trong bối cảnh các nhóm cổ phiếu chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 22/8, khối ngoại bán ròng trên toàn thị trường thì cổ phiếu ngành bán lẻ nổi bật khi đồng loạt loạt tăng mạnh.
Trong rổ cổ phiếu VN30, với mức tăng 3,7%, MWG đã trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất. Thực tế, diễn biến tích cực của MWG cũng đồng thuận với các mã cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ.
Ngược dòng thị trường chung, nhóm bán lẻ giao dịch tích cực với NHT tăng kịch trần, PET tăng 4,5%, FRT tăng 2,8%, TLP tăng 2,1%, ABR tăng 0,9%...
Thực tế, ngành bán lẻ đang được kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ. Theo Công ty cổ phần chứng khoán Agribank, kỳ vọng sức cầu tiêu thụ của người dân trong thời gian tới tiếp tục ở mức cao nhờ kiểm soát lạm phát trong bối cảnh GDP hồi phục.
Khảo sát của Kantar Worldpanel cho thấy, ngày càng nhiều hộ gia đình tin tưởng vào sự hồi phục của nền kinh tế trong 12 tháng tới. Sau đại dịch COVID-19, người dân có xu hướng ưa thích sự thuận tiện, do đó, các cửa hàng tiện lợi (minimarket) và các cửa hàng tích hợp (integrated store) với độ phủ lớn sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới.
Nhiều nhà bán lẻ lớn cũng đang tận dụng năm 2022 để tái cấu trúc vận hành với mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm giá là nguyên nhân khiến chỉ số VN-Index không có cơ hội phục hồi. Rổ cổ phiếu VN30 có tới 26 mã giảm giá, trong khi chỉ có 3 mã tăng giá. Đáng chú ý, các cổ phiếu họ Vingroup giảm khá sâu.
Cụ thể, VIC giảm 2,8%, VHM giảm 1,2%, VRE giảm 0,9%. Ba cổ phiếu này giảm tạo sức ép rất lớn lên chỉ số VN-Index. Thêm vào đó, các cổ phiếu đầu ngành như: FPT, VNM, GAS, HPG, MSN, SAB… đều ở chiều giá đỏ.
Nhóm ngân hàng đồng loạt giảm trong phiên hôm nay. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết, chỉ có 5 mã tăng giá, 1 mã đứng giá, trong khi 21 mã giảm giá. Cùng đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến khá tiêu cực khi các mã trụ cột như: SSI, SHS, HCM, VND, MBS… đều ở chiều giá đỏ.
Nhóm cổ phiếu dầu khí và hóa chất cũng ngập trong sắc đỏ. Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, chỉ còn duy nhất PVD ở chiều tăng giá. Trong khi, BSR, OIL, PLX, POS, PTV, PVS ở chiều giảm giá. Tại nhóm cổ phiếu hóa chất, các mã PDM, DCM, DGC, BFC… giảm khá mạnh.
Nhóm cổ phiếu bất động sản hầu hết là giảm giá. Tuy nhiên, vẫn có những mã diễn biến rất tích cực như BCM tăng 7% lên giá trần, PXL cũng tăng hết biên độ.
Tại nhóm cổ phiếu họ FLC, cổ phiếu FLC giảm 5,7%, HAI giảm 4,1%, KLF giảm 3,1%, AMD giảm 1,7%, ART giảm 1,9%.
Việc khối ngoại bán ròng trong phiên hôm nay phần nào cũng khiến thị trường thêm khó khăn. Khối ngoại bán ròng 229,24 tỷ đồng trên sàn HOSE và 14,32 tỷ đồng trên HNX.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng 27,11 tỷ đồng trên thị trường UPCOM. Các mã bị bán ròng mạnh nhất là KBC với 54,2 tỷ đồng, tiếp theo SSI bị bán ròng 41,3 tỷ đồng, VHM bị bán ròng 35,6 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,75 điểm xuống 1.260,43 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 619,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 14.839,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 130 mã tăng giá, 326 mã giảm giá và 70 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 3,21 điểm xuống 294,73 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 106,6 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 2.163 tỷ đồng. Toàn sàn có 65 mã tăng giá, 125 mã giảm giá và 59 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,55 điểm xuống 92,22 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 36,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 677 tỷ đồng. Toàn sàn có 103 mã tăng giá, 170 mã giảm giá và 70 mã đứng giá.