
Nhóm ngành chịu tác động từ mức thuế 46%
Ngày 2-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với các quốc gia trên thế giới. Theo đó thuế suất 10% sẽ được áp dụng lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ (hiệu lực từ ngày 5-4) và mức thuế quan cao hơn đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (có hiệu lực từ ngày 9-4).
Trước đó, ông Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng mức thuế đối ứng phản ánh các rào cản thương mại mà các nước này đã áp đặt lên hàng hóa Mỹ trong suốt thời gian qua, cũng như bao hàm cả yếu tố thao túng tiền tệ. Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế nhập khẩu cao nhất, lên đến 46%.
Theo giới phân tích, mức thuế đối ứng cao sẽ tác động tiêu cực lên 3 khía cạnh kinh tế. Thứ nhất, thuế suất đối ứng cao làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ chốt của Việt Nam vào thị trường Mỹ như máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, may mặc da giày…
Trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp có mức thuế thấp hơn đáng kể như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%); Thái Lan (37%). Thứ hai, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là nước chịu mức thuế đối ứng cao nhất, điều sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam theo chiến lược Trung Quốc +1. Thứ ba, tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại với nước này.
Tác động của việc tăng thuế đối với 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam Thời điểm hiện tại, mức thuế suất đối với từng mặt hàng vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tác động đến các ngành nghề sản xuất sẽ khác nhau phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu cũng như các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong cùng phân khúc. Bên cạnh đó, một số mặt hàng còn có hiệu lực về mức thuế cam kết được áp dụng theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực tháng 12-2001.
Vì vậy, MBS cho rằng các nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp, logistics là những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất. Các nhóm ngành cao su, giấy, dây cáp điện chịu tác động trung bình do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp. Trong khi đó nhóm sản phẩm sắt thép không chịu tác động do không nằm trong danh sách sản phẩm chịu thuế đối ứng.
Sẽ có nhịp phục hồi
Tuy nhiên, diễn biến của TTCK nằm ngoài sức tưởng tượng của giới đầu tư. Nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước “cú sốc” thuế đối ứng khi chỉ số VN Index có phiên giao dịch “mất mát" nhất lịch sử ngày 3-4 với 88 điểm giảm. Đà giảm tiếp tục kéo dài sang ngày 4-4 với gần 20 điểm.
Như vậy, chỉ sau 2 phiên, VN Index “bốc hơi” 108 điểm. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài cũng “giẫm đạp” bán tháo thay vì tranh thủ gom hàng khi thị trường giảm sâu. Theo thống kê, trong 2 phiên giảm điểm này, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 6.800 tỷ đồng, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm 2025 đến nay lên xấp xỉ 35.500 tỷ đồng.
Sau chuỗi 2 phiên giảm này, giới phân tích cho rằng thị trường sẽ khó có nhịp phục hồi nhanh chóng, thậm chí còn tiếp tục trượt dài. Ngay sau phiên 3-4, CTCK Rồng Việt (VDSC) có phân tích, dự báo TTCK đang bị tác động tiêu cực từ thông tin áp thuế Mỹ và rơi vào trạng thái khó xác định phương hướng.
Hiện "quán tính" giảm điểm vẫn còn khá mạnh nên nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm và có thể kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh ngưỡng 1.200 điểm (vùng đáy tháng 11-2024).
Ngoài dư âm của thuế đối ứng, vẫn còn một số yếu tố rủi ro bên ngoài tác động đến TTCK trong ngắn hạn. Đầu tiên là TTCK Mỹ đang bước vào giai đoạn điều chỉnh khi đà bán tháo các cổ phiếu công nghệ vẫn chưa chấm dứt. Với tác động kém tích cực từ chính sách thuế quan, TTCK Mỹ vẫn được dự báo sẽ duy trì xu hướng giảm trong 2 tháng tới. Khó khăn thứ hai là yếu tố mùa vụ, khi tháng 4 và tháng 5 thường là thời điểm “vùng trống thông tin” của thế giới.
Việc thị trường không có thông tin tích cực hỗ trợ sẽ tác động đến chỉ số VN Index lớn hơn. Ngoài 2 yếu tố bên ngoài, trong nước, tỷ giá vẫn là rủi ro lớn nhất, gây áp lực lên thị trường trong suốt nửa đầu năm. Sau thông tin thuế đối ứng tỷ giá USD/VNĐ liên ngân hàng bật tăng lên mức gần 25.800 đồng, tỷ giá tự do cũng áp sát ngưỡng 26.000 đồng, cao nhất từ đầu năm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, TTCK có được nhiều yếu tố hỗ trợ như: nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Đây là các yếu tố đảm bảo cho sự tăng trưởng của VN Index trong năm 2025. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các TTCK mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.
Một điểm đáng chú ý là thanh khoản của thị trường tăng đột biến trong 2 phiên cuối tuần vừa qua. Thống kê, trong 2 phiên này, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 90.000 tỷ đồng.
Những nhà đầu tư bắt đáy trong 2 phiên giao dịch này có cơ sở để gom hàng với quan điểm cho rằng thị trường điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng với mức định giá hấp dẫn như: bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, xây dựng hạ tầng, dầu khí thượng nguồn.
Phần thưởng cho những nhà đầu tư “thức thời” này chính là thông tin được phát đi từ Bộ Ngoại giao vào đêm 4-4. Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ Việt - Mỹ.
Tại cuộc điện đàm này, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi, đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.