Cũng như bóng đá Việt Nam, lịch sử của QBV Việt Nam cũng trải qua không ít thăng trầm, nhưng niềm tin và trách nhiệm với bóng đá Việt Nam chưa bao giờ thôi đập trong trái tim những người tổ chức.
Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam - Sự kiện tôn vinh tài năng bóng đá Việt. Đồ họa: HỮU VI |
Chung tình yêu bóng đá
Nhà báo Hồ Nguyễn từng kể lại cho các thế hệ viết thể thao tại Báo SGGP về những ngày đầu của giải thưởng QBV Việt Nam: “Nói là kế hoạch chứ nó chỉ là mấy cái đầu dòng tầm 3 trang giấy A4 viết tay được fax về từ Chieng Mai - Thái Lan. Khi đó, nhà báo Vũ Tuất Việt chấp nhận ý tưởng nhưng đặt câu hỏi: “Làm được không?”. Thẳng thắn mà nói, ở thời điểm đó không ai trả lời được câu hỏi này cả”.
Cái khó nhất không phải là việc tổ chức mà là “tiền đâu để làm”. Vì ngay từ đầu, giải thưởng xác định sẽ có phần thưởng tiền mặt đi kèm. Bóng đá Việt Nam lúc đó… nghèo lắm. Cầu thủ chỉ nhận lương để đá bóng. Nhưng tiền thưởng cũng là “chuyện nhỏ”, cái chính là Báo SGGP khi đó cũng như đa số các cơ quan truyền thông khác, không thể lấy ngân sách được cấp để tổ chức một hoạt động không nằm trong “nhiệm vụ chính trị”.
Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam do Báo SGGP tổ chức đã trở thành thương hiệu đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Làm không khéo sẽ vi phạm quy định tài chính công. Mọi thứ dần đi vào bế tắc nếu lúc bấy giờ không có cú điện thoại từ ông Trần Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Tiếp thị thể thao Á vận, đồng thời cũng là một nhà quản lý thể thao có tư duy kinh doanh mới mẻ. Ông Nghĩa “chốt” rất nhanh: “Làm đi các anh, tiền để tôi kiếm”. Nói xong, ông Nghĩa quay sang… năn nỉ “mối ruột” của mình là nhãn hàng Tiger Beer, lúc đó đang tài trợ cho giải bóng chuyền Grand Prix.
Kiếm tiền để làm các sự kiện thể thao chẳng bao giờ là chuyện dễ, nhưng với các cơ quan truyền thông, mọi thứ còn phức tạp hơn rất nhiều vì đây là chuyện “vác tù và hàng tổng”, các khái niệm như “phát triển thương hiệu tờ báo” hay “kinh tế báo chí” ở những năm 90 của thế kỷ trước rất xa lạ. Giải thưởng QBV Việt Nam lại nặng tính chuyên môn, vốn là phần việc của các cơ quan quản lý ngành.
Nhưng có một điều may mắn là giải thưởng luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các thế hệ lãnh đạo Báo SGGP, tất cả đều xem đây là một “nhiệm vụ chính trị” của tờ báo Đảng, nói cách khác giải thưởng QBV Việt Nam đã vượt qua khuôn khổ một sự kiện, là trách nhiệm của Báo SGGP đối với bóng đá Việt Nam. Nói như nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP Dương Trọng Dật thì “chúng ta làm vì đều yêu bóng đá mà!”.
Vì cầu thủ xứng đáng được tôn vinh
Vì tình yêu với trái bóng mà năm 2001, chính Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Dương Trọng Dật là người đưa ra quyết định tổ chức lễ trao giải tại Phòng trà M & Toi. Dù còn một số ý kiến băn khoăn nhưng nhà báo Dương Trọng Dật nói: “Miễn mình làm đàng hoàng, trang trọng. Đóng góp của ai trong lúc khó khăn cũng quý nên chẳng có gì phải ngại ngần”. Thế là năm kế tiếp, lễ trao giải được tổ chức ở nhà hàng - sân khấu kịch của nghệ sĩ Phước Sang với quy mô hoành tráng hơn.
Cũng trên tinh thần tương tự, ở các năm 2005 và 2007, thời điểm bóng đá Việt Nam gặp rất nhiều biến cố không vui, lễ trao giải thưởng QBV Việt Nam phải diễn ra tại các sân bóng. Một số thành viên Ban Biên tập Báo SGGP, trong đó có Trưởng Ban tổ chức giải lúc bấy giờ là Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Văn Tuấn, phải chia nhau mỗi người đi một địa phương để trao giải. Nếu nói về khó khăn, thời điểm đó còn vất vả hơn cả lúc giải thưởng mới ra đời. Ở 2 kỳ đầu tiên vào các năm 1995, 1996, sau khi bầu chọn sẽ tiến hành trao giải ngay tại trụ sở của báo để tiết kiệm chi phí.
Đến năm 1997, lễ trao giải được “nâng cấp” thành Gala, có âm nhạc và sân khấu. Gala đầu tiên được tổ chức ngay trên hồ bơi Phú Thọ mới được xây dựng hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Đến năm 1999, lần đầu tiên Gala trao giải được tổ chức trong không gian Nhà hát Bến Thành và sau này là hơn 10 lần được thực hiện tại Nhà hát thành phố.
Một trong những lễ trao giải đáng nhớ nhất của QBV Việt Nam đó là năm 2008, thời điểm đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup lần đầu tiên. Lúc đó, đích thân Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển sang Đài Truyền hình TPHCM (HTV) để đề nghị được phát sóng trực tiếp trên kênh HTV7, ngay khung giờ vàng và đã được HTV hỗ trợ không mất một khoản phí nào. Nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong, một fan cuồng nhiệt của đội tuyển bóng đá Việt Nam, thì chưa bao giờ vắng mặt ở các kỳ trao giải, cả các buổi họp báo sau này, trong suốt 8 năm làm lãnh đạo Báo SGGP.
Vì bóng đá Việt Nam, vì những cầu thủ xứng đáng được tôn vinh, 28 năm đã qua, trước thời điểm Gala trao giải lần thứ 27, với những người tổ chức giải thưởng QBV Việt Nam cảm giác hồi hộp, phấn khích, lo toan, hy vọng vẫn như những ngày đầu, như những chặng đường của nhiều thế hệ người làm báo đã chung tay vun đắp cho sự phát triển của giải thưởng cho đến hôm nay.