Lực lượng giao hàng đang được từng bước tháo gỡ khó khăn trong việc đi lại phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân
Khoảng 10 giờ sáng, tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận), khá đông lực lượng “đi chợ giúp” của phường 4, 9 của quận Phú Nhuận được bảo vệ siêu thị cho vào để mua hàng. “Tôi đi mua giùm cho 2 hộ thôi mà đã mất hơn 3 giờ. Không quen mấy loại hàng mà người dân đặt nên tôi phải đẩy xe đi tìm…”, bác Lê Văn Thảo, Tổ trưởng tổ 36, khu phố 4, phường 4, tình nguyện viên Tổ Tuyên truyền trật tự đô thị phường, chia sẻ.
Còn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 19 (quận Bình Thạnh) Trần Thiện Bảo Khang thì trần tình: “Hiện nay, hội nhận trung bình từ 400-500 đơn hàng/ngày. Hội đã huy động lực lượng cán bộ phụ nữ nòng cốt, thanh niên tình nguyện, cộng tác viên cùng sự hỗ trợ từ lực lượng quân đội, dân quân, trật tự đô thị nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của bà con”.
Phường 15 (quận Gò Vấp) gồm 8 khu phố với hơn 11.000 hộ (41.000 dân). Kinh nghiệm “đi chợ giúp” được Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 15 Trần Ngọc Thảo Uyên chia sẻ: “Chúng tôi bố trí 1 khu phố 1 người theo dõi, điều phối đơn hàng, bố trí 1 cán bộ ở vòng ngoài để mua những sản phẩm đặc biệt như sữa cho trẻ em, thuốc cho người ốm. Một số đồng chí ở lại “3 tại chỗ” và làm việc 24/24. Toàn bộ đơn hàng của bà con được tập kết về phường, sau đó được các lực lượng, gồm cả bộ đội trực tiếp giao cho dân... Chúng tôi đề nghị bà con nên đăng ký mua hàng sớm, tối thiểu trước 2 ngày để được phục vụ kịp thời”.
Trước thực tế ấy, UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở Công thương, tăng thêm lực lượng bán và giao hàng. Ghi nhận vào chiều 30-8, đại diện nhiều hệ thống siêu thị cho biết, đã được triển khai tăng cường thêm khoảng 20.000 nhân viên. Các siêu thị như Saigon Co.op, Bách hóa Xanh... đã chuẩn bị sẵn lực lượng và đang đợi được cấp giấy đi đường. Lực lượng này sẽ tham gia vào việc bán cũng như phụ giúp hệ thống giao nhận với các lực lượng địa phương. Bà Bùi Thị Giáng Thu, Giám đốc Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh), nhận định, mỗi ngày đơn vị cùng với chính quyền địa phương “đi chợ giúp” trên 1.000 combo.
Riêng lực lượng shipper vẫn còn khá e dè với quy định xét nghiệm âm tính nhanh, dù đã được Sở Công thương và ngành chức năng miễn phí xét nghiệm, lý do là vì khó tìm nơi xét nghiệm và thời gian xét nghiệm quá sớm…
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng chia sẻ: “Việc Grab phối hợp để cung cấp hạ tầng công nghệ, hỗ trợ thêm công tác mua hàng thiết yếu online là rất cần thiết và kịp thời trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng tốt nhu cầu mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn trong điều kiện tăng cường giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh”.
Giám đốc điều hành Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân cho biết, công ty sẽ cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng cho TP Thủ Đức, miễn phí sử dụng ứng dụng cho đối tác cửa hàng GrabMart, miễn phí giao hàng cho người dân và tặng miễn phí gói bảo hiểm PTI - Vững Tâm cho các đối tác tài xế tham gia lực lượng tình nguyện giao hàng của các phường, xã trên địa bàn. TP Thủ Đức sẽ hỗ trợ nơi ở (nếu cần), chi phí ăn uống, xăng xe, liên lạc điện thoại cho đội ngũ đối tác tài xế tình nguyện của Grab, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 và ưu tiên tiêm đủ vaccine cho đội ngũ này để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình hoạt động.
Song song với cách đặt hàng qua ứng dụng Grab, người dân vẫn có thể đặt hàng theo phương thức thủ công (lực lượng đi chợ thay phát và nhận đơn mua hàng bằng giấy của từng hộ gia đình, đảm nhiệm việc mua hàng, đối soát hàng hóa và thu, chi tiền mặt và giao hàng). Ngoài ra, các gia đình khó khăn vẫn sẽ được nhận thức ăn và nhu yếu phẩm từ 70 điểm an sinh xã hội khẩn cấp do tổ công tác tại 34 phường thuộc TP Thủ Đức hỗ trợ.
Sau TP Thủ Đức, Grab đang làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng quận 8 để hỗ trợ mua hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân thông qua ứng dụng Grab.