Gia đình tỷ phú John Gokongwei - chủ nhân đế chế gồm hãng hàng không, trung tâm thương mại... trong đó hãng bán lẻ khổng lồ Robinsons - đang lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử để cạnh tranh với Tập đoàn Alibaba tại Đông Nam Á, Bloomberg cho biết.
Robinsons Retail Holdings - một trong 3 hãng bán lẻ khổng lồ thống lĩnh thị Philippines, thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Gokongwei, đang chuẩn bị rót thêm tiền để đầu tư mở rộng đế chế bán hàng trực tuyến trị giá 2,7 tỷ USD của công ty này.
Robinsons dự định tăng gấp 3 lần số siêu thị hiện có vào năm 2018 để đáp ứng các đơn hàng trực tuyến, Robina Gokongwei-Pe, con gái của John Gokongwei, cũng là chủ tịch công ty, cho biết. Các mảng kinh doanh khác, gồm trung tâm thương mại, cũng sẽ tiếp bước động thái này.
Robinsons cũng hợp tác với SM Investments và Ayala để nghiên cứu thương mại điện tử tại Phillippines - quốc gia vốn chỉ xoay quan các cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Năm ngoái, cả 3 công ty đều đã tung ra trang bán hàng trực tuyến riêng hoặc đầu tư vào dịch vụ này, nhằm đón đầu thế hệ người dùng di động thông minh (smartphone) đang bắt đầu có xu hướng khai phá các hình thức mua sắm mới như qua trang thương mại điện tử Lazada của Alibaba.
Gia đình Gokongwei cũng phải nhanh chân đầu tư vào lĩnh vực này trong bối cách các hãng thương mại điện tử khổng lồ như Alibaba và Amazon.com đang bắt đầu cuộc chiến giành thị phần tại Đông Nam Á - khu vực với 600 triệu dân dang nhanh chóng chuyển hướng mua sắm tực tuyến.
Robinsons đã bắt đầu bán đồ gia dụng và thời trang qua các đối tác thương mại điện tử như Zalora. Tuy nhiên, với hệ thống siêu thị của công ty này - mang về doanh thu chính - đang chuẩn bị cho cuộc “oanh tạc” quy mô lớn vào thương mại điện tử. Theo Gokongwei-Pe, doanh số của trang bán hàng trực tuyến ra mắt hồi tháng 5 của Robinsons đã bắt đầu cho thấy triển vọng.
“Chúng tôi nhận thấy tăng trưởng đầy tiềm năng trong bán lẻ trực tuyến”, Gokongwei-Pe cho biết. “Đây là cách tốt nhất để giúp giảm áp lực giao thông tại các khu vực thành thị như Manila và khai thác thị trường trẻ đang ngày càng phát triển”.
Robinsons sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống bán lẻ, dự kiến mở điểm bán hàng tại khoảng 40% tỉnh thành phố của Philippines, Gina Roa-Dipaling, giám đốc bộ phận kế hoạch của công ty cho biết. Trong năm 2017, Robinsons dự kiến mở thêm 140 - 150 cửa hàng và thêm 140 trong năm 2017 để duy trì tăng trưởng lợi nhuận 2 con số, Gokongwei-Pe cho biết. Cô cho biết công ty cũng sẽ tìm kiếm và thâu tóm các siêu thị và cửa hàng thuốc.
Việc chuyển dịch sang kinh doanh trực tuyến là dấu mốc phát triển lớn của đế chế bán lẻ ra đời vào năm 1980. Hiện các trung tâm thương mại của hãng này phủ sóng tại Philippines, là nơi tụ tập, ăn uống và thậm chí cả cầu nguyện. Theo Bloomberg, tình trạng tắc nghẽn giao thông - được đánh giá là tệ nhất thế giới - của quốc gia Đông Nam Á này được cho là một trong những nguyên nhân thúc đẩy hoạt động mua bán trực tuyến.
Theo Euromonitor International, phổ cập internet tại Philippines đã giúp tăng trưởng bán lẻ trực tuyến trở nên quen thuộc và tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ. Người dùng smartphone cũng ngày càng nhiều với mức 180% - tức đa số mỗi người sở hữu 2 smartphone.
Khoảng cách thế hệ cũng ngày càng trở nên rõ ràng. Người trẻ từ 16 - 35 tuổi chiếm tới 85% doanh số bán hàng trực tuyến của siêu thị Robinsons, trong khi đó, 65% doanh thu bán lẻ của công ty này đến từ khách hàng nằm trong độ tuổi 31 - 50, Gokongwei-Pe cho biết. Khách hàng trực tuyến trung bình mua nhiều gấp 5 lần so với khách hàng truyền thống, cô nói.
Tuy nhiên, Philippines vẫn là quốc gia đi sau trong làn sóng thương mại điện tử châu Á, thua xa các nước trong khu vực từ Malaysia cho đến Singapore - quê hương của Lazada và cũng là thị trường đầu tiên Amazon tấn công vào tại Đông Nam Á.
Năm 2015, chỉ có 0,5% doanh số bán lẻ tại Philippines đến từ hình thức trực tuyến, tuy nhiên, con số này có thể tăng lên 4,7%, tương đương 9,7 tỷ USD vào năm 2025, theo một báo cáo của Google và Temasek. Hôm 25/9, Lazada cho biết sẽ bán hàng hóa được chọn từ trang Taobao của Alibaba cho khách hàng Philippine trong vài tuần tới.
Hiện tại, 17 trong số 145 siêu thị của Robinsons có hình thức mua hàng trực tuyến và giao hàng qua dịch vụ Honestbee. Con số này sẽ tăng lên 26 trong năm 2017 và 50 trong năm 2018, Gokongwei-Pe cho biết. John Gokongwei là nhà sáng lập tập đoàn đa ngành JG Summit Holdings có doanh thu 4,8 tỷ USD vào năm 2015. Ông cũng nắm cổ phần trong hãng sản xuất đồ ăn Universal Robina, hãng hàng không Cebu Pacific, và hãng bán lẻ Robinsons Retail Holdings... Hiện ông sở hữu tài sản trị giá 3,18 tỷ USD, theo thống kê của Bloomberg.