Sức hút hàng đặc sản
Mặc dù chưa có các con số cụ thể về doanh thu từ nhóm hàng OCOP vào cao điểm mùa kinh doanh Tết Tân Sửu, nhưng hầu hết các siêu thị trên địa bàn TPHCM khẳng định, OCOP là một trong những nhóm hàng có mức tăng trưởng cao nhất. Nguyên nhân chính, phần lớn hàng được dán nhãn OCOP đều là đặc sản của các tỉnh, thành và vùng miền trên cả nước.
Chị Nguyễn Minh Khuê, nhân viên kế toán Công ty TNHH T.T cho biết, kể từ khi có các sản phẩm OCOP, chị khá yên tâm khi chọn mua hàng. Chẳng hạn, với mặt hàng bưởi da xanh, thanh long, xoài hay miến dong, bún tươi Ba Khánh, chị chỉ cần nhìn thấy nhãn OCOP là mua mà không phải lo về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tương tự, chị Đào Thúy Hà, ngụ quận Bình Thạnh cho hay, trái cây và các loại thực phẩm nhà chị dùng trong mâm cỗ tết vừa qua đều là hàng OCOP. Để thưởng thức đầy đủ các loại đặc sản vùng miền, chị Hà đã nhờ người thân mua và gửi vào TPHCM nhiều sản phẩm nổi tiếng của Quảng Ninh như nếp cái hoa vàng Đông Triều, mực một nắng Cô Tô, miến dong Bình Liêu, chè Đường Hoa, măng Ba Chẽ, nước mắm Cái Rồng…
Theo nhận định của chị Đào Thúy Hà: “Các doanh nghiệp (DN) và HTX ở Quảng Ninh không chỉ làm thương hiệu và quảng bá tốt mà sản phẩm của nơi đây thực sự rất ngon và đặc sẳc. Tiếc là tại TPHCM chưa có nhiều điểm bán các mặt hàng này nên mỗi khi cần dùng tôi thường phải nhờ bạn gởi từ Quảng Ninh vô”.
Mua sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp tại chương trình kết nối cung cầu hàng hóa TPHCM với các tỉnh, thành phố. Ảnh: CAO THĂNG
Để tạo thêm sự lựa chọn cho khách hàng, đồng thời mở đường cho hàng OCOP vào siêu thị, từ tháng 10-2020, Công ty Mega Market Việt Nam (MMVN) đã tổ chức đồng thời tại TPHCM và Hà Nội chương trình Tuần hàng Việt Nam và sản phẩm OCOP với các nhóm hàng như tiêu dùng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông lâm thủy đặc sản, thực phẩm an toàn và hữu cơ…
Mặt khác, đơn vị này cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Sở Công thương của 14 tỉnh trên cả nước về việc “Phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP”, gồm Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Kạn, Sơn La, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Long An, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo nội dung ký kết, Sở Công thương của 14 tỉnh, thành phố sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về các đơn vị sản xuất, sản phẩm tại địa phương để tạo cơ hội kết nối với MMVN tiêu thụ sản phẩm. Các Sở Công thương cũng chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị phân phối, thu mua hoàn thiện thủ tục giấy tờ; tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống siêu thị của MMVN tìm hiểu thực tế công tác sản xuất và tổ chức cung ứng tại địa phương. Sau dịp này, hàng hóa mang thương hiệu OCOP đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các quầy kệ của MMVN.
Ngoài ra, MMVN cũng tạo điều kiện cho các tỉnh, thành tổ chức luân phiên các phiên chợ mini hoặc bố trí quầy hàng riêng để bày bán và giới thiệu sản phẩm OCOP đến khách hàng. Nhiều hệ thống phân phối khác cũng chung tay hỗ trợ giúp sản phẩm OCOP dần tạo được vị thế riêng.
Sớm bảo vệ thương hiệu hàng OCOP
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, hiện cả nước có 1.271 chủ thể đã đăng ký kinh doanh và tổ chức sản xuất theo Chương trình OCOP. Trong đó có 471 hợp tác xã (chiếm 38,6%), 390 doanh nghiệp (30,7%), 365 cơ sở sản xuất (28,7%), còn lại là các tổ hợp tác đã tổ chức sản xuất 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên (đạt 90,4% mục tiêu chương trình giai đoạn 2018-2020), tập trung vào 3 nhóm: thực phẩm 1.786 sản phẩm (chiếm 82,3%); đồ uống 163 sản phẩm (7,5%); lưu niệm nội thất và trang trí 107 sản phẩm (4,9%), còn lại là các sản phẩm khác.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai Chương trình OCOP từ năm 2013 nhưng xét về số lượng các sản phẩm đạt chuẩn OCOP thì lại đứng vị trí thứ 2 với 236 sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao. Hà Nội đang dẫn đầu cả nuớc với 1.000 sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao; Đồng Tháp ở vị trí thứ 3 với 161 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3-4 sao. Trong đó, có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao mà Đồng Tháp đang lập hồ sơ đề nghị Trung ương xét đánh giá, phân hạng.
Riêng tại TPHCM, Chương trình OCOP triển khai từ tháng 1-2019, trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực gồm rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh cùng 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống có sử dụng nguyên liệu nguồn gốc nông nghiệp như bánh tráng Phú Hòa Đông, đan lát xã Thái Mỹ, mành trúc Tân Thông Hội, đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, làng nghề xe nhang Lê Minh Xuân, xoài Long Hòa, cá dứa Cần Giờ…
Kết quả bước đầu cho thấy, giá trị sản xuất tăng, góp phần cải thiện thu nhập người dân khu vực nông thôn. Năm 2019, theo kết quả điều tra của Cục Thống kê TPHCM, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tại 5 huyện nông thôn mới đạt 63,096 triệu đồng/người/năm (tăng 172,32% so với năm 2010 - chỉ đạt 23,17 triệu đồng/người/năm).
Chương trình OCOP được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng ngàn sản phẩm hàng hóa đa dạng; cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn, ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của chương trình, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để phát triển nhanh hàng nông sản và đặc sản, chuẩn hóa thành hàng OCOP rất cần sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cơ quan chức năng trong tổ chức sản xuất, đầu tư công nghệ, thiết kế bao bì cũng như tạo sự gắn kết giữa sản xuất - phân phối, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác thị trường tiềm năng và hướng đến xuất khẩu cho sản phẩm OCOP.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là chính quyền địa phương cần siết chặt công tác quản lý sản phẩm, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của các sản phẩm không do doanh nghiệp sản xuất hoặc sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn, không có tiềm năng phát triển. Hướng tới 100% sản phẩm dán tem truy xuất nguồn gốc để góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu cho sản phẩm, chống hàng kém chất lượng, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Thúc đẩy phát triển sản phẩm quy mô lớn để đáp ứng sản lượng, nâng chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và quản lý nhãn hiệu OCOP, xây dựng OCOP trở thành thương hiệu mạnh cho sản phẩm từng địa phương. |