Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
GS-TS Keun Lee, tiến sĩ kinh tế, Đại học Canada, nguyên Phó Chủ tịch hội đồng cố vấn quốc gia Hàn Quốc chia sẻ về thoát bẫy thu nhập trung bình và kinh nghiệm cho TPHCM. Ông dẫn trường hợp một số thành phố khác trên thế giới như Penang (Malaysia), Thâm Quyến (Trung Quốc), nơi sở hữu rất nhiều các bằng sáng chế.
Từ đó GS Lee cho rằng đầu tư cho nhân lực là cực kỳ quan trọng. Hiện Việt Nam đang ở mức thu nhập trung bình thấp. Trong 15 năm nữa phải thoát ra được, nếu không sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Cũng theo GS Lee, các nước như Malaysia, Chile đã sử dụng các thế mạnh của mình, như dầu cọ và các sản phẩm khác để bứt phá. Việt Nam có cà phê và nhiều nông sản khác, có thể phát triển chế biến sâu tạo thế mạnh. Đồng thời thu hút FDI và chiếm lĩnh công nghệ, kiến thức của họ.
“Cần xây dựng thương hiệu địa phương hoặc mua lại thương hiệu quốc tế. Thông điệp là phải cởi mở, học hỏi, tạo ra các công ty địa phương, công ty quốc gia lớn mạnh chứ không chỉ phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia FDI. Để có được điều đó, phải có chiến lược, chính sách công nghiệp phù hợp”, GS Lee nói.
Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp đã được đặt ra tại diễn đàn. Ảnh HOÀNG HÙNG
Ông Trịnh Hướng Đông, Phó Thị trưởng TP Trùng Khánh (Trung Quốc), cho biết hiện con đường thương mại quốc tế mới trên đất liền và biển đã hình thành chuyến tàu liên vận đường sắt - đường biển, xe chuyến xuyên biên giới và chuyến tàu liên vận quốc tế, kết nối trong nội địa với 72 thành phố và 154 ga tàu tại 18 tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương) Trung Quốc, đồng thời tiếp cận 538 cảng tại 125 quốc gia và khu vực trên toàn cầu.
Việt Nam là một điểm nút quan trọng trong Con đường thương mại quốc tế mới trên đất liền và biển. Do vậy, ông Trịnh nêu 4 sáng kiến hợp tác:
Thứ nhất, cùng nâng cao đẳng cấp dịch vụ tổng hợp của hành lang, xây dựng môi trường logistics chất lượng và hiệu quả cao. Đẩy nhanh việc xây dựng và kết nối của cơ sở hạ tầng đường sắt và đường cao tốc giữa Trung Quốc và Việt Nam, hoàn thiện hệ thống tập hợp và phân phối logistics quốc tế, xây dựng mạng lưới vận tải cao tốc liên hợp bằng đường sắt và đường biển Trùng Khánh - Khâm Châu - Hải Phòng, mở ra tuyến tàu chất lượng cao của đường sắt Trung Quốc - Việt Nam, nâng cao năng lực dịch vụ tổng hợp và cùng nhau thúc đẩy logistics hành lang để nâng cao chất lượng, hạ thấp chi phí và tăng cường hiệu quả.
Thứ hai, cùng thúc đẩy sự tích hợp sâu rộng của các ngành công nghiệp trong hành lang, tăng cường sự phối hợp của chuỗi ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng. Nâng cao chất lượng của “thương mại điện tử xuyên biên giới” và cùng xây dựng dự án kiểu mẫu hợp tác xuyên biên giới về chuỗi cung ứng và chuỗi ngành công nghiệp Trung Quốc-Việt Nam.
Thứ ba, thúc đẩy việc thành lập trung tâm trung chuyển Hành lang Đất liền - Biển mới tại Hà Nội và TPHCM, mở rộng quy mô nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam như hoa quả, hải sản, gạo..., thúc đẩy đặc sản Việt Nam như cà phê, sầu riêng, hạt điều... gia nhập nền tảng trực tuyến và ngoại tuyến "Lục Hải Ưu Phẩm", hình thành đầu mối phân phối hàng hóa từ Trùng Khánh đến các khu vực nội địa của Trung Quốc.
Thứ tư, cùng tăng cường giao lưu toàn diện, đa lĩnh vực, mở rộng không gian hợp tác mở cửa quốc tế, trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, giáo dục, du lịch.
Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp đã được đặt ra tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair, vì sự Thay đổi Toàn cầu tại Việt Nam, cho rằng để lựa chọn các ngành công nghiệp phù hợp nhất cho TPHCM, cần áp dụng bộ tiêu chí đánh giá dựa trên ba khía cạnh chính: tác động của ngành, lợi thế cạnh tranh và sự phù hợp với các chiến lược quốc gia và của thành phố. Và dựa theo nghiên cứu của viện, có bốn ngành chiến lược TP cần được ưu tiên đầu tư và phát triển.
Một là ngành điện tử và sản xuất công nghệ cao. Ngành này tận dụng cơ sở hạ tầng công nghiệp và lực lượng lao động lành nghề của TPHCM, đưa thành phố trở thành trung tâm của khu vực.
Hai là kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin. Theo đó, tận dụng hệ sinh thái công nghệ đang phát triển sôi động của Thành phố và lực lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ, lĩnh vực này dự báo sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.
Ba là năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. Việc phát triển ngành này phải phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu, lĩnh vực này mang đến cho TPHCM cơ hội dẫn đầu trong phát triển kinh tế xanh.
Bốn là tài chính xanh. Thành phố cần sớm đạt được khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và phát triển tài chính xanh nhằm cung cấp nguồn vốn thiết yếu cho phát triển bền vững.
Để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trên, cần kết hợp các chính sách chung và chính sách riêng cho từng ngành. Các chính sách chung tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tinh gọn các thủ tục quản lý và đầu tư vào phát triển lực lượng lao động. Các chính sách riêng cho từng ngành bao gồm tạo ra các cụm công nghiệp công nghệ cao, ươm tạo các công ty khởi nghiệp công nghệ, đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo tham vọng và phát triển hệ thống phân loại xanh để định hướng cho các khoản đầu tư bền vững.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), khẳng định việc xây dựng, chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái là cực kỳ quan trọng với TPHCM, nó sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt cho cả khu vực, mang lại hình ảnh rất tốt cho TPHCM.
Ông Phạm Hồng Điệp khẳng định, nếu xây dựng một KCN sinh thái, thì chỉ trong 3 năm sẽ lấp đầy. Ông cũng nói thêm, TPHCM là địa phương sớm phát triển mô hình KCN. Cho đến nay một số KCN đã gần hết thời hạn cho thuê, cũng như nhiều doanh nghiệp đã hết hạn hợp đồng thuê, là cơ hội rất tốt cho TPHCM chuyển đổi sang KCN sinh thái.
Do vậy, đề xuất TPHCM áp dụng mức ưu đãi đầu tư cho KCN sinh thái bằng ở khu kinh tế. Khi đó các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sẽ phải tăng tốc, và có thể chuyển đổi cùng lúc các KCN, vì không chuyển đổi thì không cạnh tranh được. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với TPHCM trong xây dựng KCN sinh thái”, ông Phạm Hồng Điệp nói.
Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp đã được đặt ra tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Đức Đỗ, Tổng giám đốc ETLABS (Úc), cho rằng bối cảnh chuyển đổi công nghiệp tại Việt Nam liên hệ mật thiết với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, và sẽ không có chuyện tách biệt ba yếu tố này. Tuy nhiên, quy mô chuyển đổi công nghiệp lớn hơn rất nhiều so với chuyển đổi số. Ông cũng nhận xét rằng chính sách chuyển đổi công nghiệp của Việt Nam và TPHCM rất tương đồng với chính sách chung của thế giới.
Theo CEO Đức Đỗ, quá trình chuyển đổi công nghiệp cần chuyển đổi 4 nội dung, trong đó quan trọng nhất là con người chứ không phải công nghệ. “Nếu coi dữ liệu là vàng của giai đoạn chuyển đổi, thì con người là kim cương. Xây dựng con người, văn hóa, hệ sinh thái cộng sinh, cộng tác cực kỳ quan trọng. Công nghệ chỉ là công cụ, và đằng sau nó là quy trình nghiệp vụ”, ông Đức Đỗ nói.
Cũng là một chuyên gia đến từ Úc, bà Anna Skarbek, CEO Climateworks Center, đưa ra một số bài học thành công ở Úc để Việt Nam nghiên cứu áp dụng. Bà nhận định Việt Nam có tiềm năng rất lớn về xây dựng các KCN Net Zero. Trong đó tập trung vào năng lượng tái tạo. Bà cũng nhấn mạnh đến vai trò của Chính phủ trong thiết lập khuôn khổ chính sách, khuyến khích các chương trình hướng tới Net Zero.
Tại TPHCM, bà Anna Skarbek khuyến nghị tích hợp Net Zero vào sự chuyển đổi công nghiệp ngay lập tức và hỗ trợ cho các KCN. Kiến nghị xây dựng lộ trình Net Zero cho TPHCM để triển khai các KCN Net Zero, gửi thông điệp rõ ràng tới khu vực tư nhân.
Cũng như ông Đức Đỗ, bà Anna Skarbek khuyến nghị TPHCM tập trung vào lực lượng lao động với các kỹ năng cần thiết. Ngoài ra, hạ tầng tốt sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.