Chuyên gia: Kênh đào Suez đã thông, nhưng thiệt hại sẽ kéo dài nhiều tháng

(ĐTTCO) - Douglas Kent – phó chủ tịch điều hành chiến lược và liên minh tại Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng (ASM), cho biết: "Chúng ta có thể ăn mừng sự thành công của việc con tàu có thể di chuyển trở lại và khai thông Kênh đào Suez. Nhưng đó vẫn chưa phải là phần kết của câu chuyện."

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sáng sớm ngày 29/3 (giờ địa phương), tàu Ever Given đã được kéo khỏi bờ cát tại Kênh đào Suez, sau 6 ngày gây tắc nghẽn cho một trong những đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sự gián đoạn đối với thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra.

Douglas Kent – phó chủ tịch điều hành chiến lược và liên minh tại Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng (ASM), cho biết: "Chúng ta có thể ăn mừng sự thành công của việc con tàu có thể di chuyển trở lại và khai thông Kênh đào Suez. Nhưng đó vẫn chưa phải là phần kết của câu chuyện."

Ever Given, cao bằng tòa nhà Empire State - là một trong những con tàu lớn nhất thế giới, đã chắn ngang Kênh đào Suez vào hôm thứ Ba tuần trước. Kể từ đó, các nhóm cứu hộ, giới chức địa phương đã nỗ lực không ngừng nghỉ để giải cứu con tàu. Cuối cùng, vào khoảng 9 giờ sáng hôm qua (giờ địa phương), sau khi hơn 10 tàu kéo được đưa đến hiện trường cùng các máy nạo vét chuyên dụng và đội chuyên trục vớt, con tàu 220.000 tấn đã nổi trở lại.

Tuy nhiên, khi các tàu trên tuyến đường thủy trọng yếu đã di chuyển bình thường, thì những hậu quả sau nhiều ngày đứng yên sẽ tiếp tục lan rộng. Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua Kênh đào Suez trên những con tàu khổng lồ như Ever Given – có thể chứa 20.000 thùng container.

Lloyd’s List ước tính mỗi ngày có hơn 9 tỷ USD hàng hóa đi qua tuyến đường hàng hải này, tương đương khoảng 400 triệu USD/giờ.

Stephen Flynn – giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Northeastern, nhận định: "Với quy mô này, sự gián đoạn trong 1 tuần vừa qua sẽ còn tiếp tục gây tác động lớn. Phải mất ít nhất 60 ngày mọi thứ mới được sắp xếp ổn thỏa và trở lại trạng thái bình thường. Mức độ gián đoạn đã tăng lên sau mỗi 24 giờ."

Tác động dây chuyền của sự cố này bao gồm tình trạng tắc nghẽn tại các cảng, cũng như các tàu không đến đúng vị trí để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo. Quan trọng nhất là sự gián đoạn có tác động to lớn đến các chuỗi cung ứng – vốn đang gặp khó khăn vì thiếu container trong bối cảnh hoạt động mua sắm bùng nổ trong thời điểm Covid-19 lây lan.

Ngoài ra, Flynn lưu ý thêm rằng đây cũng chính là một trong những thách thức của "just-in-time system" (hệ thống sản xuất đúng sản phẩm - với đúng số lượng - tại đúng nơi - vào đúng thời điểm cần thiết). Ví dụ, các dây chuyền lắp ráp sẽ không hoạt động vì các bộ phận không được vận chuyển đến đúng thời điểm như dự tính.

Các chuyên gia kinh tế: Kênh đào Suez đã được khai thông nhưng thiệt hại đối với chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ kéo dài nhiều tháng! - Ảnh 1.

Trong "cuộc săn lùng" những loại hàng hóa giá thấp và chất lượng tốt, các con tàu vận chuyển ngày càng lớn hơn. Không phải cảng nào cũng có thể tiếp nhận các tàu có kích cỡ "khủng" như Ever Given, theo đó tạo ra các hệ thống tập trung.

Các tàu có kích cỡ tương đương có thể đi từ Trung Quốc đến Rotterdam – lộ trình của Ever Given. Tại Rotterdam, các container trên tàu siêu trường siêu trọng sẽ đương chất lên các tàu nhỏ hơn, đi đến những khu vực còn lại của châu Âu hoặc những điểm đến khác bao gồm cả Mỹ.

Nói một cách khác, các cảng nhỏ hơn không đủ khả năng để giải quyết tình trạng lịch trình của tàu bị trùng nhau gây tình trạng tắc nghẽn như ở Kênh đào Suez. Theo Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez, năm 2020 có gần 19.000 tàu đi qua kênh này, trung bình 51,5 lượt/ngày.

Tính đến sáng ngày 29/3, tổng cộng hơn 350 tàu đã phải chờ đợi ở 2 đầu của Kênh đào Suez, do Ever Given chắn ngang khiến các tàu không thể di chuyển từ cả 2 hướng. Hãng quản lý tàu GAC cho biết hoạt động di chuyển dự kiến sẽ trở lại bình thường trong 3-4 ngày tới.

Mark Szakonyi – tổng biên tập tờ The Journal of Commerce của IHS Markit, cho hay: "Thiệt hại đã trở nên rõ ràng hơn, khi các nhà vận chuyển cảnh báo sự gián đoạn của chuỗi cung ứng có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng. Ngoài ra, khả năng vận chuyển cũng giảm đi trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu từ châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ tăng mạnh."

Trước khi Kênh đào Suez được khai thông, một số công ty vận tải biển đã quyết định cho tàu đổi lộ trình, đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. Việc này sẽ khiến thời gian di chuyển tăng thêm ít nhất 1 tuần và tăng chi phí nhiên liệu.

Jeffrey Bergstrand – giáo sư ngành tài chính tại Đại học Kinh doanh Mendoza thuộc Đại học Notre Dame, nhận định sự cố của tàu Ever Given chỉ có tác động nhỏ và tạm thời đến giá hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Đó là bởi hầu hết số hàng hóa mắc kẹt tại kênh đào Suez được vận chuyển đến châu Âu.

Các tin khác