Trong 3 bệnh nhi này, trường hợp bé N.H. (3 tuổi, quê Nghệ An) bị loại rắn sọc đen sọc trắng cắn vào cánh tay phải khi đang ngủ dưới nền nhà.
Qua hình ảnh con rắn do gia đình cung cấp, các bác sĩ xác định trẻ bị rắn cạp nia miền Bắc cắn và đây là loại rắn có nọc độc rất mạnh, trong khi huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia chưa được sản xuất tại Việt Nam, nguồn cung phụ thuộc vào nước ngoài và thường khan hiếm.
Do vậy, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên hệ nhiều bệnh viện để tìm nguồn cung cấp huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia miền Bắc và đã được Bệnh viện Chợ Rẫy ở TPHCM hỗ trợ 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn có tác dụng chung cho rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ đất. Đến nay, sau 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhi N.H. đã qua giai đoạn nguy hiểm.
Trường hợp thứ 2 là một trẻ 28 tháng tuổi, ở Tuyên Quang, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, co giật, hoại tử lan rộng ở cẳng bàn chân trái…
Bác sĩ xác định cháu bé bị rắn hổ đất cắn và qua sự hỗ trợ của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhi đã được truyền 40 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ và thở máy. Đến nay, sau khoảng 1 tuần điều trị, bệnh nhi dần hồi phục sức khỏe nhưng ngón cái bàn chân trái bị rắn cắn đã bị hoại tử nên cần phẫu thuật cắt bỏ.
Bé thứ 3 là bé 13 tuổi, ở Thái Nguyên, bị rắn lục cắn khi đang lao động. Bệnh nhân này đã được truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục tre, truyền Plasma tươi và chăm sóc tích cực nên chỉ sau 1 ngày điều trị, tình trạng cháu đã ổn định và được xuất viện.