Chuyện làm nông ở vùng đất khó Long Mỹ

(ĐTTCO) - Những ngày cuối năm 2023, anh Út Giang như con thoi đi vận động, hỗ trợ người dân xã Vĩnh Viễn A làm cột cờ, để ngày xã đón nhận chuẩn nông thôn mới được khang trang hơn.

Lễ công bố xã Vĩnh Viễn A đạt chuẩn Nông thôn mới.
Lễ công bố xã Vĩnh Viễn A đạt chuẩn Nông thôn mới.

Út Giang là một trong nhiều điển hình sinh động của lớp nông dân sản xuất giỏi, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ lợi ích với cộng đồng của người dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - vùng đất giáp ranh với Bạc Liêu, Kiên Giang còn nhiều khó khăn, nhưng đang từng ngày vươn lên trong cuộc sống hôm nay.

Tuần hoàn chia sẻ

Nhiều người dân ở Long Mỹ biết đến Út Giang (anh Bùi Tiền Giang), 43 tuổi thuộc thế hệ nông dân 8X, thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn. Năm 2014, Út Giang chỉ thuần khởi nghiệp từ nuôi bò.

Năm 2016 anh nuôi thêm trùn. Rồi khi được cán bộ khuyến nông vận động, anh đã hoàn thiện bước đầu mô hình kinh tế tuần hoàn khi nuôi thêm lươn thịt và lươn giống. “Dậy sớm, ham học hỏi, năng động, say mê với chăn nuôi” - là nhận xét của những người dân xã Vĩnh Viễn A dành cho anh Út Giang.

Với 1ha đất, ban đầu anh chỉ nuôi bò, kèm trồng cỏ. Nhưng nhờ được các kỹ sư ngành nông nghiệp tư vấn thêm kỹ thuật, anh đã cơi nới thành mô hình kinh tế tuần hoàn: tận dụng phân bò nuôi trùn quế, dùng trùn quế làm thức ăn cho lươn và cả thức ăn cho bò.

“Bò có trọng lượng 400kg mỗi con, chỉ cần pha 100-200gam trùn quế ngâm rượu nấu cháo là được. Vì trùn quế có đạm rất cao, pha đúng liều lượng mới giúp bò tăng trọng” - anh Út Giang chia sẻ kinh nghiệm. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong gần 5 năm, anh Út Giang có thu nhập 300-600 triệu đồng/năm.

Nhà có túi biogas phục vụ nấu nướng; ao mương trồng cỏ, anh tận dụng thả thêm cá sặc rằn, cá lốc, thát lát, cá dầy… Ngoài ra, tiền bán phân trùn 2.000 đồng/kg (khoảng 40 tấn/năm) cũng giúp anh khấm khá. Cái hay của mô hình là Út Giang tiết kiệm rất lớn chi phí đầu vào, thu nhập rải đều quanh năm.

Ngoài áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, anh Út Giang được người dân ở đây quý mến khi giúp nhiều người có bò để nuôi. Nói nôm na như người quê là “cho mượn bò nuôi”, còn nói theo thuật ngữ chuyên ngành là “kinh tế chia sẻ”. Thông qua nhiều kênh, anh đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ 5 con bò cái cho người dân. Người dân nhận bò, chăm sóc sau thời gian sẽ có bê con, để rồi luân chuyển bò cái cho người tiếp theo.

Chuyển đổi nông nghiệp bền vững

“Xã viên ở đây vui mừng được ngành nông nghiệp chọn làm nơi sản xuất trong Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao” của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn. Hơn 100 xã viên ở đây đang chăm sóc cẩn thận gần 500ha lúa trong vụ đông xuân” - ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Thuận Lợi ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết.

Huyện Long Mỹ là địa phương giáp với Bạc Liêu và Kiên Giang, thường xuyên chịu tác động nặng của hạn mặn. Được xem là “vùng đất khó” của Hậu Giang, thế nhưng những năm qua, nông dân đã tiếp cận những quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm” (viết tắt 3G3T và 1P5G), giúp năng suất và chất lượng lúa luôn đạt mức cao.

"Gần 5.000 nông hộ ở Long Mỹ tham gia vào chương trình phát triển lúa gạo bền vững liên vùng trên địa bàn với hơn 1.000ha. Đây là điểm nhấn góp phần cho thành công của tỉnh Hậu Giang trong thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Đồng thời là nền tảng để nông dân huyện Long Mỹ tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Ông Trần Chí Hùng, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ

Đặc biệt các chương trình triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các xã viên. Các HTX từng bước được nâng chất. Từ chỗ có 44 HTX năm 2022, nay số lượng đã tăng lên 51 HTX, với hơn 2.600 thành viên. Trong đó, có 19 HTX liên kết sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp như: Tập đoàn Lộc Trời, Công ty VinaRice, Công ty TNHH Xuất khẩu lương thực thực phẩm Miền Tây, Công ty TNHH Nông nghiệp Hạt Ngọc Việt…

Ông Trần Chí Hùng, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, nhận định nông dân trong vùng dự án đang áp dụng các máy móc thiết bị hiện đại như máy cấy, phun sạ, các drone… giúp tăng lợi nhuận 30% so với sản xuất truyền thống.

Điều quan trọng là nông dân đã thật sự hiểu và chí thú áp dụng các công nghệ tiến bộ trong sản xuất. Nhiều HTX đã ứng dụng các kỹ thuật sản xuất tưới nước tiết kiệm thông minh; xây dựng trang trại chăn nuôi trong nhà có máy lạnh; các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; đạt chuẩn VietGAP; chứng nhận mã vùng trồng…

Đây chỉ là thành công bước đầu, phía trước còn nhiều thách thức. Tin rằng với sự sâu sát của cán bộ địa phương, sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ nông nghiệp, cùng ý chí lập nghiệp vươn lên của người dân ở vùng đất khó, Long Mỹ sẽ nhanh chóng chuyển mình cùng sự phát triển của các địa phương trong tỉnh Hậu Giang.

1-chu-tich-hdqt-htx-thuan-loi-nguyen-thanh-tam-ben-trai-tham-dong-lua-xanh-ri-hua-hen-vu-mua-boi-thu-8985.jpg
Chủ tịch HĐQT HTX Thuận Lợi, Nguyễn Thanh Tâm (bên trái) thăm đồng lúa xanh rì hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Trên đồng lúa, nhiều xã viên ở huyện Long Mỹ gửi hy vọng theo từng cơn gió xuân lướt qua cánh đồng. Chủ tịch HĐQT HTX Thuận Lợi, Nguyễn Thanh Tâm như nhẹ nhõm khi những ngày giáp Tết Nguyên đán đã có doanh nghiệp đến tận HTX đặt hàng gạo xuất khẩu. Niềm tin đang ngày càng thêm mạnh mẽ trên những cánh đồng lúa xanh, giảm phát thải của người dân Long Mỹ.

Các tin khác