Thanh khoản thị trường đứng ở mức rất thấp trong phiên sáng nay khi nhà đầu tư đa số lựa chọn cách đứng ngoài thị trường quan sát.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn chưa được cải thiện. Đa số nhà đầu tư đang chọn cách đứng ngoài quan sát khiến thị trường giao dịch ảm đạm và buồn tẻ.
Những mã hỗ trợ chính cho thị trường trong mấy phiên vừa qua như CTG, VCB, KDC, HPG đã quay đầu giảm điểm. Bên cạnh đó, các mã có vốn hóa lớn như VNM, MSN, VIC giảm giá khiến thị trường giảm ngay từ đầu phiên.
Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,08 điểm (-0,28%), xuống 385,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 742.760 cổ phiếu, trị giá 9,37 tỷ đồng.
Dù có một số mã bluechip tăng điểm trở lại như MBB, EIB, GAS, DPM, BVH, nhưng do phần lớn mã còn lại giảm giá khiến thị trường nới rộng đà giảm.
Đến 10h12, VN-Index giảm 2,63 điểm (-0,68%), xuống 384,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 6 triệu đơn vị, trị giá 69,88 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, với phần lớn mã chưa có giao dịch và đứng ở tham chiếu, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ ngay từ đầu phiên. Đà giảm có lúc được hãm bớt khi ACB tăng giá, nhưng sau đó, cổ phiếu này nhanh chóng giảm trở lại khiến HNX-Index cũng dần nới rộng đà mất điểm.
Đến 10h14, HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,66%), xuống 51,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 6,2 triệu đơn vị, tương đương giá trị 35,4 tỷ đồng.
Về cuối phiên sáng, đà giảm của chỉ số VN-Index được thu hẹp lại. Kết thúc phiên giao dịch sáng, chỉ số VN-Index đứng ở mức 385,30 điểm, giảm 1,53 điểm, tương ứng 0,4%. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn đạt 12.580.600 đơn vị cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 134,38 tỷ đồng. Toàn sàn có 90 mã giảm điểm, 75 mã đi ngang và 71 mã tăng điểm.
Phiên này, chỉ có 666.020 đơn vị được giao dịch thỏa thuận, tương đương 7,92 tỷ đồng.
VN30- Index mất 1,75 điểm so với phiên trước, tương ứng 0,38 %, xuống mức 453,18 điểm. Trong nhóm này, chỉ có 8 mã tăng điểm, 10 mã đi ngang, 12 mã giảm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 3,9 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 54,59 tỷ đồng.
Cổ phiếu SAM đã có phiên tăng kịch trần lên mức giá 6.400 đồng/CP, với khối lượng giao dịch 1.804.880 cổ phiếu. Cổ phiếu trong diện bị cảnh báo ITA tiếp tục có một phiên giao dịch với khối lượng lớn, 1.342.590 cổ phiếu.
Cổ phiếu BVH tăng nhẹ 1,82%, chốt phiên sáng ở mức 28.200 đồng/CP, với tổng giá trị khớp lệnh đạt 385.750 cổ phiếu.
Cổ phiếu nhóm ngân hàng như CTG, EIB thanh khoản thấp. CTG có phiên giảm giá, với bước giảm 200 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt thấp, 18.750 cổ phiếu. EIB đi ngang với khối lượng giao dịch 83.520 cổ phiếu. Cổ phiếu MBB đi ngang với khối lượng giao dịch đạt 299.440 cổ phiếu
Một số cổ phiếu khoáng sản thu hút dòng tiền đầu cơ như BGM với 468.3500 cổ phiếu được giao dịch với giá kịch trần; DHM tăng kịch trần ở mức giá 19.100 đồng/CP, với 503.470 cổ phiếu được giao dịch.
Tương tự, trên sàn HNX, về cuối phiên giao dịch buổi sáng, đà giảm cũng được thu hẹp nhờ vào các mã cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán. Kết thúc phiên sáng, HNX đứng ở mức 51,62 điểm, giảm nhẹ 0,07 điểm, giảm 0,14%. Khối lượng giao dịch đạt 11.572.243 đơn vị, với giá trị giao dịch đạt 67 tỷ đồng.
Toàn sàn có 20 mã tăng trần, 27 mã giảm sàn.
Trong rổ HNX-30 Index có 9 mã tăng, 5 mã giảm, 15 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch. Kết thúc phiên sáng tại 94,35 điểm, tăng 0,1 điểm (+0,1%).
SHB được khớp lớn nhất với 3,7 triệu đơn vị, tiếp đến là SCR với gần 1,7 triệu đơn vị. Cả 2 mã này đều tăng nhẹ 100 đồng/cổ phiếu, lên 4.200 đồng/cổ phiếu và 5.200 đồng/cổ phiếu.
* Phiên giao dịch cuối tuần đã khép lại với diễn biến trái ngược trên sàn chứng khoán.
TTCK mở cửa phiên giao dịch buổi chiều với sắc đỏ vẫn chiếm chủ yếu. Tuy nhiên, sau một hồi giằng co, nhiều mã cổ phiếu đã quay đầu tăng điểm, thu hẹp khoảng cách giảm điểm của phiên sáng.
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index đứng ở mức 385,71 điểm, giảm 1,2 điểm, tương ứng 0,31%. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22.581.300 đơn vị, với giá trị giao dịch đạt 301,44 tỷ đồng. Toàn sàn có 102 mã tăng điểm, 98 mã giảm điểm và 75 mã đi ngang.
Chỉ số VN30-Index giảm 1,41 điểm (-0,31%) xuống 455,67 điểm. Trong đó, có 10 mã tăng điểm, 12 mã giảm điểm và 8 mã đi ngang. Tổng khối lượng khớp lệnh của nhóm này đạt 6.214.090 đơn vị, tương ứng giá trị 91,23 tỷ đồng.
Phiên giao dịch 16-11, cổ phiếu SAM tăng trần lên mức 6.400 đồng/CP và có thanh khoản lớn nhất sàn với 1.912.180 đơn vị được giao dịch. Cổ phiếu có thanh khoản tốt thứ hai là ITA với 1.740.080 đơn vị được giao dịch. Tiếp sau là VNE (với 703.870 đơn vị); OGC (654.130 đơn vị); SSI (515.680 đơn vị).
Các cổ phiếu ngành ngân hàng có một phiên giao dịch kém sôi động. Cổ phiếu CTG giảm 300 đồng, xuống 18.900 đồng/CP, với khối lượng giao dịch đạt 57.540 đơn vị. STB đi ngang với mức giá 18.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 98.330 đơn vị. Cổ phiếu MBBtăng nhẹ với bước giá 100 đồng, đóng cửa ở mức giá 12.300 đồng/CP, với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 459.130 đơn vị.
Các cổ phiếu khoáng sản vẫn thu hút dòng tiền đầu cơ tốt. Cụ thể, BGM có 486.520 cổ phiếu được chuyển nhượng thành công; ở KSS là 164.490 cổ phiếu; KSA là 165.890 cổ phiếu; KTB là 211.870 cổ phiếu…
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 65 mã, với tổng khối lượng 1.640.730 đơn vị. Trong đó, họ mua vào nhiều nhất là TRA với 497.770 cổ phiếu, KDC với 220.790 cổ phiếu.
Trái ngược với không khí giao dịch khá tẻ nhạt tại sàn HSX, sàn HNX có một phiên giao dịch sôi động ở nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường. Sắc xanh đã trở lại với sàn Hà Nội. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số HNX Index ở mức 51,81 điểm, tăng nhẹ 0,12 điểm so với phiên trước, tương ứng 0,23%. Với 19.939.564 đơn vị cổ phiếu được giao dịch, thanh khoản toàn sàn đạt giá trị 113,63 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHB phiên này có khối lượng giao dịch tới 5.686.800 đơn vị. SCR có khối lượng giao dịch 3.628.300 đơn vị, tiếp theo là PVX với 1.028.600 đơn vị. Trong đó, SHB đứng ở mức tham chiếu 5.100 đồng/cổ phiếu, trong khi SCR tăng trần lên 4.300 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 27 mã, với tổng khối lượng 282.100 đơn vị và bán ra 14 mã, với tổng khối lượng 1.709.900 cổ phiếu, trong đó, họ bán SHB tới 1.654.800 cổ phiếu.