Trong bối cảnh các nhóm cổ phiếu diễn biến không mấy khả quan, thậm chí chìm trong sắc đỏ thì nhóm cổ phiếu ngành thép hôm nay đồng loạt tăng trần.
Các mã HSC, POM, SMC, SSM, TLH, VGS tăng hết biên độ. Cổ phiếu đầu ngành HPG cũng tăng 5,4%.
Nhóm chứng khoán hôm nay cũng diễn biến khá tích cực. Các mã lớn như SSI, SHS, VND, VDS, BVS... đều ở chiều giá tăng.
Các nhóm cổ phiếu còn lại đa số diễn biến tiêu cực. Trong rổ VN30 có 15 mã tăng giá, 14 mã giảm giá và 1 mã đứng giá.
Nhóm Vingroup là VIC giảm 3,6%, VHM giảm 2,8% và VRE giảm 6,1%. Ba cổ phiếu này giảm sâu đã tạo sức ép rất lớn lên chỉ số VN-Index. Cùng đó, MSN giảm tới 4,8%, KDH giảm 2,5%.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ. Các mã giảm mạnh như: KLB giảm 9%, EIB giảm 2,1%, STB giảm 1,9%, TCB giảm 1,2%.
Trước đó, ngày 15/12, tại Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết đã có 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo Phó Thống đốc, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí, không để tình trạng giảm “tay trái” nhưng lại tăng “tay phải.”
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh giảm lãi suất nhưng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung.
Nhưng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân…
Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, cổ đông phải chia sẻ với ngân hàng về điều này.
“Đặc biệt, các ngân hàng thương mại tránh việc ngân hàng báo lãi cao trong khi nền kinh tế gặp khó khăn,” Phó Thống đốc nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường vẫn rất cao.
Tính đến ngày 14/12, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1-8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)…
Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3-4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
Trở lại diễn biến thị trường, các nhóm cổ phiếu dầu khí và hóa chất chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu bất động sản diễn biến giằng co, phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Khối ngoại phiên hôm nay vẫn tiếp tục mạch mua ròng. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 265,3 tỷ đồng trên HOSE; 11,3 tỷ đồng trên HNX và chỉ bán ròng hơn 1 tỷ đồng trên UPCOM.
Thị trường phiên chiều duy trì biến động trong biên độ hẹp, VN-Index giảm nhẹ do áp lực bán dâng cao ở nhóm bất động sản, bán lẻ, dầu khí.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/12, VN-Index giảm 2,84 điểm xuống 1.052,48 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 881,5 triệu đơn vị, tương ứng gần 15.509 tỷ đồng. Toàn sàn có 208 mã tăng giá, 195 mã giảm giá và 85 mã đứng giá.
HNX-Index tăng nhẹ 0,04 điểm lên 212,99 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 104,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.363,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 92 mã tăng giá, 69 mã giảm giá và 64 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,4 điểm xuống 72,19 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 55,9 triệu đơn vị, tương ứng hơn 478,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 177 mã tăng giá, 150 mã giảm giá và 120 mã đứng giá.