Ngày 29-4, trên thị trường áp lực bán đã không còn, thay vào đó lực cầu khá ổn định. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số VN Index tăng 4,9 điểm và HNX Index cộng thêm 0,23 điểm.
Trên sàn HoSE, đầu giờ tâm lý thị trường thận trọng, lực cầu nhỏ giọt trong khi khốilượng cung lại rất lớn, chỉ số VN Index trong đợt 1 giảm 2,46 điểm và xuống mức 570,64 điểm. Khối lượng khớp lệnh đạt 1,5 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 21 tỷ đồng.
Sang đợt giao dịch liên tục, dòng tiền tích lũy xuất hiện, cung-cầu giằng co xung quanh mức điểm mở cửa của VN Index.
Tới đợt giao dịch buổichiều, lực cầu tăng mạnh mẽ, bên cạnh đó bên bán gần như đã dừng tay, nhờ đó VN Index lấy lại đà tăng và đi lên mạnh mẽ.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã chia tách, các mã GAS, MSN, VCB được mua mạnh và giữ đà tăng đến hết phiên. Tuy nhiên, hai mã BVH, VIC vẫn bị giới đầu tư bán ra và chốt trong sắc đỏ với các mức giá tương ứng 36.700 đồng/cổ phiếu và 65.000 đồng/cổ phiếu.
Tại nhóm cổ phiếu blue-chip, các mã DRC, KDC, HPG, PCC… giao dịch sôi động và cùng đóng cửa trong sắc xanh. Song các mã FPT, HAG, SSI,CSM… vẫn chưa bắt kịp xu thế, sau mọi nỗ lực chỉ giữ được giá đóng cửa ở mức tham chiếu.
Chỉ số VN Index đóng cửa tăng 4,9 điểm (+0,85%) và lên mức 578 điểm. Thanh khoản 50 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch là 917 tỷ đồng.
Chỉ số VN30 chốt phiên cũng tăng 3,2 điểm (+0,51%) và lên mức 632,1 điểm. Thanh khoản gần 17 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch là 505 tỷ đồng.
Bên phía sàn Hà Nội, chốt phiên chỉ số HNX Index cũng cộng thêm 0,23 điểm (+0,29%) và lên mức 79,88 điểm. Thanh khoản đạt gần 32 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 319 tỷ đồng.
Chỉ số HNX30 đóng cửa tăng 0,79 điểm (+0,5%) và lên mức 160,46 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 14 triệu đơn vị, giá trị tương ứng gần là 167 tỷ đồng.
Trái với thị trường niêm yết, chỉ số UpCoM Index đóng cửa giảm 0,12 điểm (-0,25%) và xuống mức 49,49 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 4,8 triệu đơn vị, giá trị 10 tỷ đồng.