CK châu Á 1-6: Khó khăn chồng chất

(ĐTTC) - Số liệu sản xuất của Trung Quốc yếu đi với chỉ số PMI chính  thức tháng 5 xuống 50,4 điểm đã phụ họa thêm cho mối lo lắng leo thang về số phận Hy Lạp và Tây Ban Nha cũng như châu Âu. Chỉ số FTSE CNBC Asia 100 theo dõi các TTCK châu Á giảm tiếp 0,6%.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản có đã giảm 9 tuần liên tục, đánh dấu đợt lao dốc dài ngày nhất trong 20 năm qua. Đóng cửa, Nikkei còn 8.440,25 điểm, giảm 1,2%. Chỉ số Topix cũng giảm 1,5%.

Các nhà xuất khẩu Nhật Bản chịu sự tấn công từ 2 phía: đồng yen đạt đỉnh cao nhất trong 11 năm rưỡi so với EUR trong khi nhu cầu sản phẩm bị đe dọa bởi các khó khăn kinh tế. Tất cả Canon, Mazda, Nissan, Sony đều bị mất giá từ 3% đến 4%. Các hãng sản xuất máy móc xây dựng Komatsu và Hitachi giảm lần lượt 4,3% và 4,2%.

Trên TTCK Seoul, hoạt động săn món hời vào cuối phiên đã giúp thị trường gỡ gạc phần nào. Chỉ số KOSPI chốt ngày giảm 0,49% còn 1.834,51 điểm.

Cổ phiếu liên quan tới những ngành nhạy cảm với tăng trưởng như đóng tàu và xây dựng bị thiệt hại, trong đó, Hyundai Mipo Dockyards giảm mạnh 4,7% và Samsung Engineering giảm 4,3%.

Nhà đầu tư chuyển hướng sang những cổ phiếu mang tính phòng thủ như viễn thông, hai nhà cung cấp dịch vụ di động hàng đầu SK Telecom tăng 2,9% và KT Group tăng 1,4%.

Ở Trung Quốc, PMI tuột dốc bỗng dưng lại nhen nhóm hy vọng đối với một số nhà đầu tư. Họ đoán rằng tình trạng tăng trưởng chậm chạp sẽ buộc chính phủ Trung Quốc phải can thiệp bằng những biện pháp kích thích mới. Do đó, TTCK Thượng Hải đã không bị mất điểm, thậm chí còn khẽ khàng tăng 0,05% để đóng cửa ở mức 2.373,44 điểm.

Trong lúc đó, trên TTCK Hồng Công, nhà đầu tư lảng tránh những ngành như khai khoáng và vật liệu. Cổ phiếu Nhôm Trung Quốc giảm 4,76% vì bị JPMorgan đánh tụt từ “giữ” sang “bị sức ép”. Công ty dầu khí CNOOC giảm 2,1%. Chỉ số Hang Seng kết ngày tại 18.558,34 điểm, sụt 0,38%.

Ở Đông Nam Á, chỉ số STI của Singapore giảm 0,97% và KLCI của Malaysia giảm 0,45%.

Các tin khác