![]() |
(ĐTTC) - Đợt phát hành trái phiếu của Tây Ban Nha huy động 3,2 tỷ EUR vượt quá mục tiêu tối đa đặt ra là 3 tỷ EUR; IMF nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay từ 3,3% lên 3,5%, là những yếu tố chính tạo nên không khí lạc quan trên các TTCK. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương tăng 1%.
Trên TTCK Tokyo, đà tăng được đẩy lên khi Phó Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kiyohiko Nishimura cho biết ngân hàng sẵn sàng nới lỏng tiền tệ thêm nếu cần thiết. Chỉ số Nikkei tăng 202,55 điểm (+2,1%) đóng cửa đạt 9.667,26 điểm, leo trên ngưỡng tâm lý 9.500 điểm.
Toyota Motor - công ty sản xuất xe hơi lớn nhất châu Á tính theo giá trị thị trường - tăng mạnh 2,8%. Các cổ phiếu thuộc ngành tài chính cũng được giá, trong đó, Nomura Holdings tăng 3,8%, Mitsubishi UJ Financial, Sumitomo Mitsui Financial và Mizuho Financial cũng tăng từ 2,4-3,2%.
Ở Seoul, cổ phiếu hãng đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering tăng tới 6% do thị trường kỳ vọng nhu cầu đóng tàu sẽ gia tăng sau khi Hoa Kỳ phê chuẩn cho công ty năng lượng Cheniere xây dựng cảng xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất ở Hoa Kỳ.
Nhà chế tạo vật liệu dùng trong các tấm pin mặt trời OCI tăng 4,7% khi có tin tình trạng cung thừa mứa trong ngành công nghiệp này có thể sẽ được ngăn chặn khi các công ty tiến hành củng cố và tái cấu trúc.
Chỉ số KOSPI đóng cửa ở mức 2.004,53 điểm, tăng 0,97%.
Trên TTCK Hồng Công, công ty chế tạo xe lửa Trung Quốc CSR tăng 5,7% sau khi có tin cho biết CSR giành được các hợp đồng từ Hồng Công. Ngân hàng HSBC tăng 1,9%. Cổ phiếu công ty dầu CNOOC tăng 3,3%. Chỉ số Hang Seng chốt ngày tăng 1,06% đạt 20.780,73 điểm.
Tại Thượng Hải, xuất hiện các thông tin Ngân hàng trung ương Hàn Quốc sẽ mua 300 triệu USD cổ phiếu ở Trung Quốc trong vòng 3 tháng tới; chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ; tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc trong quý II. Các tin tức này giúp chỉ số Shanghai Composite hồi phục và tăng 1,96% để chốt ngày ở mức 2.380,85 điểm.
Tại Đông Nam Á, cả 2 TTCK Singapore và Malaysia đều tăng, lần lượt 0,47% và 0,17%.