(ĐTTC) - Dư âm phấn khởi sau các động thái của FED và ECB đã mờ nhạt dần, thay vào đó là nỗi lo ngại về sự suy yếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Chỉ số FTSE CNBC Asia 100 của các TTCK châu Á giảm 0,55%.
Ở Nhật Bản, các công ty có quan hệ làm ăn lớn với Trung Quốc đã bị tổn thương về sản xuất và kinh doanh vì những căng thẳng gia tăng quanh vấn đề chủ quyền đảo.
Hãng Nissan Motor giảm 5% sau khi cho biết đã ngừng sản xuất tại Trung QUốc trong 2 ngày. Cổ phiếu Honda Motor cũng giảm 2,5%.
Các nhà chế tạo máy móc xây dựng Komatsu và Hitachi Construction Machinery cùng giảm 1,8% và 2,3%.
Fast Retailing rớt giá 7% sau khi tuyên bố sẽ đóng cửa thêm nhiều cửa hàng quần áo Uniqlo ở Trung Quốc do lo ngại làn sóng chống đối Nhật Bản ngày càng leo thang.
Do đó, mặc dù việc đồng yen giảm giá có nâng đỡ phần nào cho thị trường nhưng cũng không thể ngăn được chỉ số Nikkei giảm 0,4% xuống 9.123,77 điểm. Trong lúc đó, chỉ số Topix nhích nhẹ 0,2% đạt 758,36 điểm.
Ở Hàn Quốc, cổ phiếu blue chip Samsung Electronics giẫm chân tại chỗ, trong lúc Hyundai Motor tăng ít ỏi 0,2%. Chỉ số KOSPI lên 0,13% chốt ngày đạt 2.004,96 điểm.
Tại Trung Quốc, các TTCK xuống dốc do bị kéo bởi nhóm cổ phiếu liên quan tới các loại hàng hóa như dầu mỏ, vàng khi giá cả các mặt hàng này hạ nhiệt. Cổ phiếu đại gia dầu mỏ CNOOC mất 1,35% do giá dầu thô giảm hơn 5USD/thùng.
Cổ phiếu ngành xe hơi tiếp tục lao dốc vì căng thẳng với Nhật Bản, trong đó, Dongfeng Group (có liên doanh với Nissan và Honda) đã giảm mạnh 5.09% xuống đáy thấp của gần 1 năm qua.
Cổ phiếu các công ty bất động sản đi lên nhờ có những số liệu chính thức cho thấy sự hồi phục của thị trường bất động sản và làm dịu những quan ngại về khả năng ngành này sẽ bị siết chặt hơn. Cổ phiếu China Overseas Land tăng 1,14% và Evergrande tăng 0,93%.
Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,91% đóng cửa ở mức 2.059,54 điểm. Chỉ số Hang Seng giảm 0,27% còn 20.601,93 điểm.
Tại Singapore, chỉ số STI giảm 0,35% trên TTCK Malaysia, chỉ số KLCI giảm 0,42%.