(ĐTTC) - Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, cùng với kỳ vọng Hy Lạp sẽ bảo đảm nhận gói cứu trợ thứ hai, là các động lực chính thúc đẩy nhà đầu tư mạo hiểm. Trên TTCK châu Á, hầu hết các sàn đều tăng điểm.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,1% đạt 9.485,09 điểm, đã vượt qua mức điểm trung bình của 1 năm. Chỉ số Topix cũng tăng 1,1% đạt 819,03 điểm.
Cổ phiếu điện lực Tokyo tăng đột biến 13%, khối lượng giao dịch cao, do có những nguồn tin báo chí cho biết chính phủ có lẽ không quốc hữu hóa công ty này. Đồng yen hạ giá xuống thấp nhất trong 6 tháng rưỡi so với USD đã giúp cổ phiếu các nhà xuất khẩu được săn đón, Toyota tăng 2%, Sony tăng 3,6% và Toshiba tăng 2,4%.
Trên sàn Seoul, các nhà sản xuất kim loại công nghiệp dẫn dắt đà tăng, trong đó, hyundai Steel tăng 2,8% và korea Zinc tăng 3,8%. Trong ngày, chỉ số KOSPI có lúc lập đỉnh cao 6 tháng, nhưng sau đó hạ nhiệt dần và kết thúc ngày ở mức 2.024,9 điểm, nhích 0,07%.
Ở Trung Quốc, Bắc Kinh hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,27% đóng cửa ở mức 2.363,6 điểm.
Trên sàn Hồng Công, việc Bắc Kinh giảm RRR không gây nhiều tác động, trong lúc đó, hoạt động chốt lời của nhà đầu tư đã kéo giảm giá nhóm năng lượng. Tập đoàn hóa dầu Sinopec giảm tới 5,45%. Chỉ số Hang Seng sụt 0,31% xuống 21.424,79 điểm.
Ở Đông Nam Á, chỉ số STI (Singapore) tăng 0,69% và KLCI (Malaysia) tăng 0,2%.