![]() |
Cuộc đấu giá trái phiếu của Tây Ban Nha tuy đạt kết quả tốt hơn mong đợi nhưng không đủ sức xua đi mối lo lắng Tây Ban Nha sẽ phải theo chân Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha xin quốc tế cứu trợ.
Cùng lúc, số liệu kinh tế Hoa Kỳ gây thất vọng đã khơi gợi mối hoài nghi về mức độ hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chỉ số FTSE CNBC Asia 100 giảm 0,53%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei giảm 0,28% đóng cửa ở mức 9.561,36 điểm. Như vậy, tuần này Nikkei đã giật lùi 0,8%, là tuần thứ 3 liên tiếp giảm. Chỉ số Topix sụt 0,3% còn 811,94 điểm.
Những dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ngày 27-4 sẽ công bố nới lỏng tiền tệ hơn nữa đã gây áp lực lên đồng yen. Nhờ vậy, cổ phiếu các nhà xuất khẩu được trợ lực, với TDK, Nissan Motor, Nikon nhích từ 0,3% đến 0,6%.
Nhà sản xuất thép JFE sụt 3,3% sau khi báo cáo lợi nhuận cả năm rớt kịch liệt 68% vì đồng yen mạnh và giá bán sản phẩm xuống thấp.
Đặc biệt, phiên này “con bệnh” Olympus bỗng dưng khỏe lại và nhảy vọt 6,4% sau khi các cổ đông chấp thuận tất cả các vị trí giám đốc trong danh sách đề cử.
Tại Seoul, chỉ số KOSPI sụt 1,26% xuống 1.974,65 điểm, là mức đóng cửa thấp nhất trong 1 tuần qua. Đáng chú ý, nhà sản xuất hóa chất lớn nhất Hàn Quốc LG Chem bị giảm tới 9,2% vì báo cáo thu nhập quý I kém 45% so với năm ngoái.
Tại Đông Nam Á, cả 2 chỉ số STI (Singapore) và KLCI (Malaysia) đều giảm, lần lượt là 0,4% và 0,3%.
Riêng tại Trung Quốc, TTCK tiếp tục sự phấn khởi của phiên trước với niềm kỳ vọng vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ và mở rộng các lựa chọn đầu tư cho ngành bảo hiểm.
Chỉ số Shanghai Composite tăng 1,2% đóng cửa đạt 2.406,86 điểm. Chỉ số Hang Seng nhích 0,1% chốt ngày ở 21.010,6 điểm. Tuần này Hang Seng tăng được 1,5%.