![]() |
(ĐTTC) - Chỉ số Standard & Poor’s 500 Index giảm 3 ngày liên tiếp khi đóng cửa phiên giao dịch vào rạng sáng ngày 25-9 (giờ Việt Nam), là đợt giảm kéo dài nhất của chỉ số này trong vòng 7 tuần qua.
Sự sụt giảm trên trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu bất đồng trong việc tìm kiếm cách thức chống cuộc khủng hoảng nợ và dữ liệu từ Trung Quốc và Đức cho thấy tình trạng chậm lại của nền kinh tế ngày càng nghiêm trọng.
CP Apple Inc. (AAPL) giảm 1,3% sau khi doanh số của iPhone 5 cuối tuần trước không bằng dự báo của giới chuyên gia do nguồn cung không đảm bảo. CP Facebook Inc. (FB), mạng xã hội lớn nhất thế giới, giảm 9,1% sau khi giới đầu tư kháo nhau giá CP của công ty bị thổi phồng.
CP U.S. Steel Corp. (X), Peabody Energy (BTU) Corp. và Micron (MU) Technology Inc. giảm ít nhất 1,6% sau khi các nhà phân tích hạ đánh giá những CP này.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống 1.456,89 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial Average mất 20,55 điểm (0,2%), còn 13.558,92 điểm, là phiên giảm điểm thứ 2. Khoảng 5,5 tỷ CP đã được chuyền tay trên các sàn giao dịch, thấp hơn 7,5% so với bình quân 3 tháng.
“Không có viên đạn phép thuật cho cuộc kủng hoảng ở châu Âu” - Hayes Miller, người giúp quản lý 48 tỷ USD cho Asset Management Inc, nói qua điện thoại. “Các chính trị gia đã cố gắng mang bộ mặt đoàn kết, nhưng lại không đạt được sự nhất trí. Không có giải pháp dễ dàng. Chúng ta đang ở trong một tình trạng kinh tế đầy thách thức”.
CK toàn cầu giảm sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande bất đồng về thời gian bắt đầu việc thống nhất quản lý hệ thống ngân hàng châu Âu. Niềm tin kinh doanh ở Đức giảm ngoài dự báo trong tháng 9. Các nhà sản xuất và bán lẻ ở Trung Quốc giảm niềm tin sau khi doanh số thấp hơn 3 tháng trước và đang tiến hành cắt giảm lao động.
Chỉ số S&P 500 tuần trước có tuần giảm điểm đầu tiên kể từ tháng 8 sau khi các Bộ trưởng Tài chính châu Âu không thành công trong việc xoa dịu quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ khu vực.
Dù vậy, chỉ số này vẫn cao hơn 16% so với hồi đầu năm nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn báo cáo, niềm tin tiêu dùng và doanh số nhà ở tại Hoa Kỳ tăng, và quan trọng là nhờ gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) của FED.