(ĐTTC) - Đóng cửa phiên giao dịch vào rạng sáng 30-5 (giờ Việt Nam), CK Hoa Kỳ giảm khiến chỉ số Dow Jones Industrial Average sụt từ mức kỷ lục, trong bối cảnh NĐT lo ngại hơn về việc FED sẽ bắt đầu rút bớt chương trình mua nợ do kinh tế có dấu hiệu ngày một cải thiện tốt.
9 trong 10 nhóm chính của chỉ số Standard & Poor’s 500 Index (SPX) giảm, trong đó các mã ngành tiêu dùng, tiện ích và y tế giảm mạnh nhất. CP Johnson & Johnson và Procter & Gamble Co. giảm hơn 2,2%, dẫn đầu phiên giảm của những công ty Hoa Kỳ lớn nhất. CP Lennar Corp. (LEN) và PulteGroup Inc. giảm ít nhất 3,3% khi các NĐT bán CP của các công ty xây dựng nhà ở.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,7% xuống 1.648,36 điểm. Chỉ số Dow giảm 106,59 điểm (0,7%), xuống 15.302,8 điểm. Hơn 6,6 tỷ CP đã được giao dịch trên các sàn Hoa Kỳ trong phiên hôm nay, cao hơn 5,6% so với bình quân 3 tháng.
“Khi lợi suất trái phiếu cao hơn, bạn sẽ thấy một số lĩnh vực phòng vệ bị ảnh hưởng” - theo Peter Jankovskis, người giúp trông coi 3,5 tỷ USD với tư cách Giám đốc Đầu tư của Oakbrook Investments LLC.
Chỉ số S&P 500 có lúc giảm tới 1,2% trong phiên hôm nay sau khi lợi suất trái phiếu 10 năm tăng chạm 2,17%, mức cao kỷ lục 13 tháng, vào hôm qua. Trong phiên hôm nay, lợi suất trái phiếu giảm 5 điểm xuống 2,12% khi chính phủ bán đấu giá 35 tỷ USD trái phiếu 5 năm với mức lợi suất thấp hơn dự báo.
Chỉ số này giảm 1,1% vào tuần trước khi Chủ tịchCục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Ben S. Bernanke nói FED có thể giảm các biện pháp kích thích tiền tệ nếu các quan chức thấy dấu hiệu tăng trưởng bền vững.
Chỉ số này tăng 0,6% vào hôm qua trong khi chỉ số Dow chạm môc kỷ lục sau khi dữ liệu cho thấy niềm tin tiêu dùng tăng chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 và giá nhà ở tăng mạnh nhất 7 năm.
Chỉ số Chicago Board Options Exchange Volatility Index (VIX) tăng 2,4% lên 14,83 điểm. Đây là chỉ số biến động vốn chủ sở hữu, chuyển động ngược chiều với chỉ số S&P 500 trong 80% trường hợp. Chỉ số này thấp hơn 18% so với đầu năm, sau khi tăng 12% vào tuần trước.