CK trái chiều, vàng, dầu giảm mạnh

Dù rất nỗ lực, nhưng phố Wall đã không thể đảo chiều thành công trong phiên thứ Tư do chịu tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu y tế và năng lượng. Trong khi nhóm cổ phiếu y tế giảm mạnh do ảnh hưởng từ thông tin sử dụng một loại thuốc chuyên khoa đặc biệt để làm tăng doanh thu, thì giá dầu thô giảm mạnh đã khiến nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc.

Trong khi phố Wall chưa thể đảo chiều, thì chứng khoán châu Âu và Nhật Bản tăng mạnh khi nhà đầu tư kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế. Giá dầu và vàng có phiên giảm mạnh khi chịu áp lực bán kỹ thuật và các thông tin tiêu cực.

 

Dù rất nỗ lực, nhưng phố Wall đã không thể đảo chiều thành công trong phiên thứ Tư do chịu tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu y tế và năng lượng. Trong khi nhóm cổ phiếu y tế giảm mạnh do ảnh hưởng từ thông tin sử dụng một loại thuốc chuyên khoa đặc biệt để làm tăng doanh thu, thì giá dầu thô giảm mạnh đã khiến nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc.

Việc nhóm cổ phiếu y tế giảm mạnh do tin đồn về việc sử dụng 1 loại thuốc đặc biệt cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm cổ phiếu bảo hiểm.

Sự sụt giảm mạnh của 3 nhóm cổ phiếu này đã khiến nỗ lực của các mã lớn như Yahoo, Boeing, GM là không đủ để giúp thị trường đảo chiều.

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Dow Jones giảm 48,50 điểm (-0,28%), xuống 17.168,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,83 điểm (-0,58%), xuống 2.018,94 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 40,85 điểm (-0,84%), xuống 4.840,12 điểm.

Trong khi chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng, y tế và bảo hiểm, thì chứng khoán châu Âu lại đảo chiều tăng điểm khá khi nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tung gói kích thích kinh tế trong thời gian tới đây.

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,29 điểm (+0,05%), lên 6.348,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 90,42 điểm (+0,89%), lên 10.238,10 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 21,29 điểm (+0,46%), lên 4.695,10 điểm.

Cũng giống chứng khoán châu Âu, kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có gói kích thích kinh tế giúp chứng khoán Nhật bản tăng mạnh trong phiên thứ Tư, trong khi dữ liệu tăng trưởng GDP của Trung Quốc dưới 7% được công bố trước đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến chứng khoán nước này khi chỉ số Shanghai Composite giảm tới hơn 3% trong phiên thứ Tư, mức giảm mạnh nhất trong 5 tuần.

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 347,13 điểm (+1,91%), lên 18.554,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 104,65 điểm (-3,06%), xuống 3.320,68 điểm. Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch.

Trên thị trường vàng, áp lực bán kỹ thuật đã khiến vàng đảo chiều và có phiên giảm giá mạnh nhất trong 3 tuần. Ngoài ra, đồng USD tăng trở lại 0,14% cũng tác động tiêu cực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 21/10, giá vàng giao ngay giảm 9,1 USD (-0,77%), xuống 1.166,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 10,4 USD (-0,88%), xuống 1.167,1 USD/ounce.

Theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu của Mỹ tăng thêm 8 triệu thùng trong tuần trước. Kho dự trữ dầu của Mỹ thời gian gần đây đang ở mức cao nhất trong năm . Thông tin này đã khiến giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 21/10, giá dầu thô Mỹ giảm 1,09 USD/thùng (-2,41%), xuống 45,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,86 USD (-1,8%), xuống 47,85 USD/thùng.

Các tin khác