Đây được coi là quyết sách đột phá để TPHCM phát triển nhanh, bền vững hơn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 11 và 12 của Đảng, Nghị quyết 16 và Kết luận 21 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 54 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 15-1-2018, tạo điều kiện cho TP và các bộ ngành, Chính phủ và Quốc hội triển khai trong 3 năm cuối nhiệm kỳ 2016-2020. Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực, Nghị quyết 54 của Quốc hội phù hợp với tình hình phát triển của TPHCM sau 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hơn 30 năm Đổi mới, giúp TP vừa phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên của mình trong quá trình phát triển.
Nghị quyết 54 vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị và các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước, từng bước giải quyết có cơ sở khoa học và thực tiễn các thách thức lớn đối với sự phát triển của TP trong 30-50 năm tới.Nghị quyết 54 của Quốc hội xác định 5 lĩnh vực điều chỉnh, gồm thẩm quyền quản lý đất đai; thẩm quyền quản lý đầu tư; thẩm quyền quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý.
Có thể nói, cơ chế đặc thù của Nghị quyết 54 đối với TPHCM sẽ tạo nên những cú hích mang tính lịch sử. Tự bản thân TPHCM từ lâu vừa là trung tâm tăng trưởng của cả nước, vừa là đầu tàu kéo cho khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, cũng vừa là lò sáng tạo, điểm đến của các ý tưởng, nơi các thí điểm về chính sách, thể chế cả về con người được thực thi. Vì vậy, sẽ có rất nhiều lợi ích từ cơ chế đặc thù cho TPHCM.
Nhiều năm nay, dù làm ra nhiều của cải, vật chất, đóng góp hơn 21% GDP cả nước, 28% tổng thu ngân sách nhưng tỷ lệ điều tiết để lại cho TPHCM ngày càng ít và nay là thấp nhất cả nước. TP làm ra 100 đồng phải điều tiết về trung ương 82 đồng, 18 đồng giữ lại phải trang trải chi thường xuyên, đầu tư phát triển, trả nợ và nhiều khoản chi khác. Vì thế, Nghị quyết 54 trao cho TPHCM những cơ chế mới, riêng sẽ giúp TP không phải loay hoay xé rào mà có đủ những căn cứ pháp lý để bứt phá phát triển và mở ra những cách làm mới, tiên phong cho cả nước.
Đặc biệt, Nghị quyết 54 tăng quyền tự chủ cho TPHCM ở nhiều lĩnh vực, từ quy hoạch đất đai đến quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, bộ máy cán bộ, tạo nên dư địa chính sách cho TP và dư địa phát triển cho toàn bộ khu vực phía Nam.
Bởi thực tế, mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp từ những thời gian đầu đổi mới; mô hình Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung từ những thập niên gần đây đến khu đô thị Thủ Thiêm, nỗ lực xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, đô thị sống tốt... là những thí dụ điển hình để nói TPHCM là lò sáng tạo, là điểm đến của các ý tưởng. Và khi các tỉnh ĐBSCL bàn về liên kết các tiểu vùng, câu hỏi đặt ra là kết nối vào trung tâm nào để tạo động lực hướng tâm xoay quanh điểm nhấn TPHCM.
Hay trong bối cảnh khó khăn về ngân sách, các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên tạo nên sự lan tỏa cả vùng Tây Nam bộ tập trung vào một số cái tên nhất định như dự án đường Vành đai 3 - hợp tác giữa TPHCM với Long An, Bình Dương, Đồng Nai; mở rộng Quốc lộ 22 - hợp tác giữa TPHCM với Tây Ninh, Bình Dương; liên kết cụm cảng số 5 - hợp tác giữa TPHCM với Bà Rịa - Vũng Tàu… Vì thế, ý nghĩa của cụm từ "TP vì cả nước, cùng cả nước" không phải tự nhiên mà có và được chấp nhận.
TPHCM đang đứng trước một thử thách rất lớn, một trách nhiệm rất nặng nề. Cả nước đã vì TP thì TP cũng phải thể hiện được sự tự trọng để hoàn thành và thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển phải thành công, mang lại thực tiễn để đánh giá tác động về chính sách, cơ chế, từ đó có cơ hội để nhân rộng.