Lãi suất huy động vàng đột ngột tăng mạnh, việc quản lý và điều tiết thị trường vàng cũng sắp sửa đón một cơ chế có thể xoay chuyển những bất cập hiện nay.
Cho đến thời điểm này, giá vàng trong nước với thế giới đang tạo một chuỗi chênh lệch chưa từng có trong lịch sử. Khoảng cách đã được rút ngắn những ngày gần đây, nhưng giá trong nước vẫn cao vượt trội so với thế giới.
Nhiều khả năng, ngay trong tuần này Ngân hàng Nhà nước sẽ vào cuộc can thiệp một cách rốt ráo. Trong khi đó, lãi suất huy động vàng của một số ngân hàng thương mại bất ngờ tăng mạnh.
Lãi suất đảo chiều
Từ 1/5, Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Theo đó, các ngân hàng phải chấm dứt hoạt động cho vay vàng và chỉ được phép huy động. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng cũng phải chấm dứt vào ngày 1/5/2012.
Trước chính sách trên, lãi suất huy động vàng liên tục sụt giảm trong thời gian qua. Hầu hết các ngân hàng thương mại có nghiệp vụ này đều đã rút bớt kỳ hạn huy động, giảm mạnh lãi suất xuống dưới 1%, thậm chí phổ biến chỉ áp gần như tối thiểu 0,1%/năm cho tất cả các kỳ hạn.
Tuy nhiên, những ngày này, thị trường bất ngờ đón nhận cú đảo chiều rất mạnh của lãi suất huy động vàng.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), biểu lãi suất vừa áp dụng từ ngày 30/9/2011, lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng các kỳ hạn từ 1 - 9 tháng đồng loạt ở mức cao, từ 1,8% - 2,5%/năm.
Tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất áp cho các cá nhân gửi vàng các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng từ 3/10/2011 đã cùng ở mức 1,5%/năm thay cho phổ biến thấp hơn 1%/năm áp dụng trước đây.
Tại Ngân hàng HDBank, lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng từ ngày 1/10/2011 cao nhất cũng đã lên 2%/năm. Hay tại Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa các kỳ hạn 3, 6, 9 tháng cũng đã ở mức 2,2%/năm ở sản phẩm chứng chỉ bằng vàng…
Diễn biến trên thu hút sự chú ý của thị trường, khi cơ chế cho vay bằng vàng và việc quy đổi vốn từ vàng sang VND đã bị chặn bởi Thông tư số 11. Vậy vì sao lãi suất huy động vàng tăng mạnh như vậy?
Một số giả thiết đang được đặt ra. Khi cơ chế trần lãi suất huy động VND tối đa 14%/năm và 6%/năm (với các kỳ hạn dưới 1 tháng) được làm nghiêm, có thể dòng tiền gửi sẽ có sự dịch chuyển theo hướng có lợi cho các ngân hàng lớn, bất lợi cho các ngân hàng nhỏ. Theo đó, việc tăng huy động vàng có thể là một giải pháp để cân đối nguồn vốn của một số ngân hàng thương mại.
Ở một giả thiết khác, và chỉ là giả thiết, có thể đây là một hướng đón đầu chính sách mới mà Ngân hàng Nhà nước sắp triển khai…
Mở lại vàng tài khoản?
Cuối tuần qua, dù vào ngày nghỉ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những bàn tính và chuẩn bị cho việc triển khai những giải pháp tăng cường sự quản lý và can thiệp những bất cập trên thị trường vàng.
Như bài viết mới đây đề cập, nhiều khả năng hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài của các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại hối sẽ được mở lại sau khi đã bị đóng từ 31-7-2010.
Đây sẽ là một thay đổi quan trọng của chính sách, tạo điều kiện để khơi thông mối liên hệ giữa giá vàng trong nước với thế giới, chủ động hơn trong bình ổn và quản lý thị trường nhạy cảm này.
Cụ thể, phương án đang được tính tới là Ngân hàng Nhà nước sẽ mở lại tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài cho một số tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng đầu mối, kết nối với hoạt động huy động vàng trong nước hiện có để quay vòng vốn vàng bình ổn thị trường.
Cụ thể, qua cơ chế Ngân hàng Nhà nước xây dựng, các đầu mối trên một tay sẽ trích một tỷ lệ cần thiết lượng vàng huy động được trong dân để bán ra thị trường, tạo cung can thiệp khi có chênh lệch giá bất thường, hay có hiện tượng đầu cơ gây bất ổn; một tay sẽ mua vàng vào tài khoản ở nước ngoài để tạo sự cân bằng trạng thái vốn. Sự cân đối và điều tiết này cũng tương tự ở trường hợp giá xuống bất hợp lý.
Với lực vàng huy động trong dân khá lớn, các đầu mối và cơ chế đó sẽ đủ sức điều tiết thị trường vận động hợp lý hơn, hạn chế các yếu tố đầu cơ, mà đầu mối giám sát vẫn là Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu vàng vẫn là một giải pháp hỗ trợ.
Một điểm mà một số nguồn tin đề cập tới là khả năng Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ áp trần lãi suất huy động vàng ở mức rất thấp để tiếp tục góp phần hạn chế hoạt động đầu tư, tích trữ vàng. Và nếu cơ chế này được ban hành, việc tăng lãi suất đón đầu nói trên có thể là một phản ứng đón đầu hợp lý?