Có dễ dạy môn kinh tế ở phổ thông?

(ĐTTCO) - Khi Chương trình phổ thông mới chính thức được áp dụng cho năm học 2022-2023, dư luận rất quan tâm đến việc môn lịch sử nên là tự chọn hay bắt buộc, trong khi quên mất rằng trong chương trình này đã có thêm những môn rất mới, mang tính hướng nghiệp hết sức cụ thể: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 đã có thể chọn môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật làm 1 trong 5 môn học tự chọn trong cấp học định hướng nghề nghiệp này. Nói riêng về kinh tế, đây là lĩnh vực liên quan đến rất nhiều vấn đề thực tiễn xã hội. Khi được trang bị các kiến thức của lĩnh vực này, học sinh có thể hiểu được vì sao một số sự kiện trong đời sống lại diễn ra thế này, thế khác. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hơn là với một lĩnh vực giáo dục còn quá mới như vậy, khi đưa vào chương trình phổ cập phổ thông liệu có “quá tay” với các giáo viên?

Có thiếu giáo viên dạy kinh tế?
Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2018, cho đến nay gần 4 năm, tức gần đủ thời gian cho một thế hệ sinh viên ra trường và thực tập, làm việc hẳn hoi, đặc biệt là ngành sư phạm. Thế nhưng, từ năm 2018, các trường đại học, cao đẳng của ngành sư phạm lại hầu như không có kế hoạch đào tạo hay tuyển sinh để cung cấp các giáo viên giảng dạy đối với các môn học mới cho kịp với thời điểm chính thức áp dụng chương trình của Thông tư 32. Điều này tạo ra hai dòng quan điểm.
Thứ nhất, có thể do thấy rằng môn kinh tế chỉ là một môn tự chọn và mang tính định hướng, gợi mở chung chung về mặt nhận thức cho các em, chứ không quá hàn lâm, nên việc ấn định kế hoạch tuyển sinh và đào tạo được các trường đại học xét thấy chưa cần thiết. Thay vào đó, chỉ cần “biệt phái” các giáo viên đang dạy môn khác, như Giáo dục Công dân (GDCD), đi tập huấn thêm một số kiến thức kinh tế thị trường để bổ sung cho đủ chỉ tiêu là được.
Có dễ dạy môn kinh tế ở phổ thông? ảnh 1
Thứ hai, trái ngược với quan điểm trên, việc giảng dạy và đào tạo môn kinh tế ở cấp THPT mang tính định hướng, cung cấp cái nhìn khái quát và khả dụng, đáp ứng nguyện vọng nghề nghiệp tương lai của các em. Do đó đòi hỏi độ chính xác về mặt kiến thức lý thuyết và cả khả năng minh họa thực tiễn đều phải cao, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn tương lai của người học. Như vậy, người đứng lớp môn này phải thật sự hiểu rõ và nắm bắt tốt các vận động kinh tế, từ tổng cung-tổng cầu, dòng chảy của nền kinh tế - xét về vĩ mô, cho đến những biểu hiện vi mô như tại sao cùng là tăng giá nhưng người bán món hàng này lại tăng được doanh thu trong khi người bán món hàng khác lại không?
Nói cách khác, theo quan điểm thứ hai, người dạy môn kinh tế để có thể tạo ra không khí học tập hiệu quả cho các em thì khối lượng kiến thức được trang bị cũng phải “cứng”, không khác gì một sinh viên kinh tế tốt nghiệp ra trường. 
Bởi cho dù nội dung chương trình chỉ nói đến các khái niệm và khía cạnh chung chung như thị trường, cơ chế thị trường, giá cả thị trường, thuế, tín dụng… nhưng người giảng dạy phải hiểu được tường tận các nguyên lý vận hành đằng sau thì mới có thể giúp học sinh nắm vững kiến thức, hiểu được “kinh tế” là gì, tránh trường hợp giải thích qua loa, đoán mò.
Vả lại, nếu “biệt phái” giáo viên dạy GDCD (lựa chọn khả dĩ nhất) để dạy môn kinh tế cũng là không phù hợp. Do kiến thức hai môn này là rất khác nhau, và dù trong chương trình môn GDCD trước đây có các nội dung về kinh tế, nhưng các kiến thức đó lại mang tính hàn lâm của môn kinh tế chính trị bậc Đại học, khác xa với nội dung kinh tế ứng dụng sẽ được giảng dạy của chương trình mới.
Đó là chưa kể, nhiều giáo viên dạy môn GDCD cũng là giáo viên dạy các môn xã hội khác như lịch sử, ngữ văn, được nhà trường phân công sang “đính kèm” thêm môn này cho đủ nhân lực. Như vậy, nếu nói nghiêm túc về chuyên môn, thì ngành giáo dục có thể đối mặt với nguy cơ thiếu thầy dạy kinh tế cho học sinh.
Về vấn đề này, các trường trong ngắn hạn có thể tận dụng những người tốt nghiệp từ các trường kinh tế nhưng chưa có việc làm, hoặc làm việc trái ngành để trở thành giáo viên bán thời gian. Họ sẽ được tập huấn thêm các kỹ năng sư phạm theo Thông tư 12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đủ khả năng đứng lớp. Nhưng về lâu dài, các cơ quan chức năng nên tính đến chuyện đào tạo chuẩn chỉnh cho đội ngũ sư phạm trong lĩnh vực môn học này.

Liệu kinh tế có thành… “kinh thế”
Nhìn vào mục lục trong SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 10, phần giáo dục kinh tế dễ nhận thấy vấn đề đầu tiên là chương trình được cơ cấu nặng hơn về phần kinh tế vĩ mô. Còn xét về nội dung thì dường như lại quá nặng về nghiệp vụ kinh tế, thay vì chú trọng vào các nguyên lý kinh tế - giá trị kiến thức cốt lõi của lĩnh vực này.
Trong khi đối với lứa tuổi các em cấp 3, đa phần quan tâm và nhận thức cơ bản về các vận động vi mô xung quanh cuộc sống mình. Do vậy nội dung giảng dạy chú trọng hơn cho kinh tế vi mô và làm rõ vì nguyên lý nào mà đạt được các mối quan hệ vi mô đó thì sẽ tạo ra cảm giác thích thú hơn cho các em. Từ đó các em mới có động lực để tự tìm hiểu, tự đào tạo thêm thông qua nền tảng đã có.
Còn đối với các kiến thức vĩ mô, có lẽ lại ít có em học sinh nào quan tâm đến thu, chi ngân sách hay dự toán ngân sách hàng năm của Quốc hội, nên khó có thể mường tượng về tính cân đối của đại lượng này. Khi bắt đầu một môn học định hướng nhưng lại “đánh” vào những chủ thể kiến thức hơi xa vời với sự tiếp cận thường nhật của học sinh, môn học đó có thể dần khiến các em mất kiên nhẫn.
Cần hiểu rằng, mục tiêu cốt yếu của việc giáo dục kinh tế cho các em ở cấp học định hướng là giúp các em nhận ra môn kinh tế, lĩnh vực kinh tế có ích như thế nào đối với các vận động xã hội, chứ không phải đào tạo cho các em trở thành các nhân viên công vụ hành chính. Do đó, thấy có ích thì các em mới dấn thân, cùng nó cống hiến trong tương lai.
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng quan trọng không kém là giáo viên đứng lớp môn này sẽ được tập huấn về cách giảng dạy như thế nào cho phù hợp. Học về kinh tế, cái hiểu đầu tiên cần có là hiểu về các khái niệm. Nếu người dạy vẫn giữ nguyên nếp cũ, là chuyển văn viết thành văn nói khi định nghĩa khái niệm, chắc hẳn học sinh sẽ không hứng thú với môn học này ngay từ đầu. Việc giải thích, làm rõ các khái niệm rất quan trọng, bởi nếu giải thích đúng (trước hết là về mặt từ ngữ), nó có thể phản ánh một cách toàn diện bản chất của đại lượng mà khái niệm đó đại diện. 
Mong rằng, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật sẽ không trở thành môn “Lịch sử thứ hai” – rất bổ ích, nhưng nội dung thiếu thu hút dẫn đến nhàm chán, bởi xã hội và các nhà chuyên môn rất kỳ vọng vào sự cải tiến chương trình này, giúp các em chuẩn bị kiến thức về các hoạt động kinh tế trước một cuộc sống ngày càng thay đổi nhanh chóng.  

Các tin khác