“Trước đại hội, tôi đã nghĩ đến việc các cổ đông sẽ chất vấn ban lãnh đạo SMC vì không hoàn thành một số chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2012. Thế nhưng, các cổ đông thực sự đồng cảm và đánh giá cao những nỗ lực và tâm huyết của chúng tôi, đây chính là điểm tựa vô cùng quan trọng và vững chắc để công ty tiếp tục phát triển” - Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), cho biết trước khi bế mạc Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2013 vào ngày 6-4 vừa qua.
Hài lòng
Đồng thuận, phấn khởi và vui vẻ là cảm giác chung của rất nhiều người đến dự ĐHCĐ của SMC. SMC không phải là CP mang tính đầu cơ, lướt sóng, công ty có rất nhiều cổ đông lâu năm hoặc các cổ đông mua để hưởng cổ tức. Những cổ đông này đều hiểu quá rõ những khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành thép nói riêng.
Vì vậy, dù 68,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2012 chỉ tương đương 86% kế hoạch đã được đề ra, nhưng cũng khiến rất nhiều cổ đông hài lòng. Minh chứng rõ nhất là trong phần thảo luận, phần được chờ đợi nhất tại ĐHCĐ, không cổ đông nào tỏ ý thất vọng hay phê phán ban lãnh đạo công ty, thay vào đó là sự quan tâm đến chiến lược dài hạn, những mục tiêu cụ thể và hoạt động của ban lãnh đạo.
![]() |
Đại hội cổ đông SMC 2013. |
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy gia công thép (coil center), chuyên về các sản phẩm thép tấm cán nóng, tại KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM của SMC nhận được rất nhiều sự quan tâm. Đây là địa phương có nhiều công ty tiêu thụ sản phẩm của SMC như Hữu Liên Á Châu, Thép Á Châu, Sắt thép Cửu Long, Thép Việt Nga, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ chính thép loại II và các loại thép cường độ chịu lực cao như Q345, SM 490…
Khi dự án đi vào hoạt động ổn định, vào năm thứ 3 sản lượng thép tiêu thụ sẽ đạt 45.000 tấn/năm và sản lượng gia công 6.000 tấn/năm. Dự án khi hoàn thành sẽ cung cấp sản phẩm phục vụ các công trình xây dựng nhà xưởng, công trình công nghiệp lớn, hạ tầng về móng cọc, dầm cầu, các sản phẩm sử dụng trong các ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ cho lĩnh vực ô tô, xe máy, thiết bị điện, điện tử…
Ngoài ra, nhà máy tại đây cũng giúp công ty giảm chi phí vận chuyển mặt hàng thép cán nóng cho thị trường các tỉnh Tây Nam bộ. Bởi lâu nay coil center đang cung cấp mặt hàng này nằm ở KCN Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cổ đông Nguyễn Thị Kế Huệ: Tôi rất yên tâm khi được biết SMC hiện chỉ vay vốn với lãi suất trung bình 10%/năm, không bị ứ đọng hàng tồn kho và không chịu nhiều ảnh hưởng từ nợ xấu. Với mức giá hiện nay của SMC (15.000 đồng/CP vào ngày 5-4), mua để hưởng cổ tức 15%/mệnh giá bằng tiền mặt vẫn lãi hơn gửi tiết kiệm. Chưa kể, do làm ăn bài bản nên SMC vẫn tăng giá đều đặn hàng năm nên tôi vẫn có thêm khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá. |
Khi một cổ đông trình bày thắc mắc về việc thép tồn kho tăng, nhu cầu tiêu thụ giảm, thị trường đang dư cung, SMC sẽ làm thế nào đảm bảo được đầu ra của mình, ông Nguyễn Ngọc Anh phân tích: Nhiều người nghe nói đến ngành thép, thường chỉ nghĩ đến thép xây dựng, đây đúng là mặt hàng đang đang gặp nhiều khó khăn.
Nhưng thép là “lương thực” của các ngành công nghiệp, nên còn rất nhiều ngành khác vẫn có nhu cầu đối với thép, chẳng hạn như thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội… SMC khẳng định không đầu tư vào các nhà máy sản xuất thép xây dựng, mà là các nhà máy gia công sản phẩm thép.
Năm 2008, khi coil center đầu tiên ra đời, trên thị trường gia công sản phẩm thép chỉ có các đơn vị nước ngoài và số ít đơn vị trong nước. Nhưng đến giờ khi xúc tiến thực hiện coil center thứ 4, nhu cầu của thị trường vẫn có và chất lượng sản phẩm cũng như giá cả của SMC có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đơn vị nước ngoài.
Tin tưởng
3 tháng đầu năm 2012, sản lượng thép tiêu thụ của SMC lên đến 170.000 tấn, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 45 tỷ đồng. Người đứng đầu SMC cho biết đây là kết quả tốt nhất trong lịch sử 25 năm hoạt động của công ty, riêng trong tháng 3 đã đạt mức tiêu thụ kỷ lục lên đến 74.000 tấn thép.
Nhưng như vậy không có nghĩa là kế hoạch 70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sẽ sớm đạt được, bởi bắt đầu từ quý II-2013, cuộc cạnh tranh trên thị trường thép cực kỳ “khốc liệt”.
![]() |
Các cổ đông nhất trí với kế hoạch Ban lãnh đạo SMC trình tại ĐHCĐ. |
Từ tháng 12-2012 đến giữa tháng 3 năm nay, giá thép trên thị trường đã tăng khoảng 15%, thép cán nóng từ 570USD/tấn tăng lên 650USD/tấn, nhưng đến tháng 4 này nhiều khả năng sẽ lại giảm về mức giá như cuối năm ngoái.
Một số đơn vị kinh doanh thời điểm thép “nổi sóng” đã tiến hành nhập hàng, nhưng từ lúc làm thủ tục cho đến khi hàng về đến nơi có thể mất 2 tháng. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng mua giá cao, nhưng đến khi có hàng bán giá trên thị trường đã xuống thấp, như vậy dẫn đến áp lực phải giảm giá bán để tiêu thụ hàng hóa, trong trường hợp sử dụng vốn vay áp lực còn lớn hơn gấp bội. Nhiều khả năng, đến quý III thị trường thép mới bắt đầu ổn định
Cổ đông Nguyễn Hữu Kiện: Việc SMC công khai thù lao của từng người trong HĐQT và BKS chứng tỏ sự minh bạch luôn được củng cố và gia tăng của công ty. Theo tôi, mức thù lao của HĐQT (1,5% lợi nhuận sau thuế) là khá thấp so với một số công ty khác. Điều đó chứng tỏ sự tận tâm cống hiến, không màng lương thưởng ở mức cao nhất của ban lãnh đạo SMC. Đây là điều rất đáng trân trọng và biểu dương. |
Các nhân viên kinh doanh của SMC phải “lăn xả” ngoài thị trường để đảm bảo lượng tiêu thụ, còn ban lãnh đạo cũng phải tìm những giải pháp phù hợp nhằm bảo toàn nguồn lực của công ty, tránh những tổn hại trong cuộc cạnh tranh giảm giá bán. Kế hoạch chi trả cổ tức 2013 với 15% mệnh giá chi trả bằng tiền mặt, tức 1.500 đồng/CP cũng được cổ đông SMC nhất trí thông qua. HĐQT của SMC, được sự ủy nhiệm của các cổ đông, cũng đang cân nhắc 2 phương án chi trả:
Khả năng 1 là chi trả thành 3 đợt, mỗi đợt 5% và có thể rơi vào giai đoạn cuối quý II, đầu quý IV sau khi có KQKD năm 2013. Khả năng 2 là vẫn chi trả làm 2 đợt như năm 2012. Ngoài ra, do vốn điều lệ của SMC hiện đang là 295 tỷ đồng, nên vẫn có nhu cầu gia tăng.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cũng rất lo ngại viêc pha loãng CP do phát hành sẽ ảnh hưởng đến các cổ đông nên chỉ để ngỏ về khả năng chia CP thưởng (dự kiến tỷ lệ 5:1, 5 CP cũ nhận 1 CP mới) trong tình huống hoạt động kinh doanh có nhiều thuận lợi, nếu không sẽ chưa triển khai phương án này. Như vậy, phải đến kết thúc quý II hoặc giữa quý III phương án này mới được xem xét lại về điều kiện triển khai.