CP xuống đáy
TTCK đang trải qua tuần giảm mạnh nhất 12 năm kể từ năm 2008, do tâm lý NĐT bị ảnh hưởng nặng nề sau khi một loạt ca nhiễm Covid-19 trong nước được phát hiện, cùng lúc với việc TTCK Mỹ giảm kỷ lục và giá dầu lao dốc mạnh. Tính đến phiên giao dịch 16-3, VN Index giảm gần 205 điểm (tương đương 21,2%) so với thời điểm đầu năm, vốn hóa toàn thị trường mất 1,6 triệu tỷ đồng tương đương 68 tỷ USD. Giao dịch của NĐTNN cũng khá bi quan, với tổng giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay lên hơn 4.200 tỷ đồng.
Diễn biến bất thường của TTCK đã khiến CP của các doanh nghiệp niêm yết cũng cũng bị ảnh hưởng rất mạnh. Thậm chí, nhiều mã CP được đánh giá có chỉ số cơ bản tốt cũng giảm xuống đáy của nhiều năm trở lại đây.
HPG là doanh nghiệp có cổ đông nội bộ đăng ký mua vào số lượng CP lớn nhất.
Đơn cử các mã như SAB (Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco), VNM (CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk), PVD (Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí - PVDrilling), QNS (CTCP Đường Quảng Ngãi), BSR (Tổng CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn), HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát), SCR (CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land), NVL (CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va - Novaland), SBT (CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa), NTP (CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong), MWG (CTCP Đầu tư Thế giới di động), AAA (CTCP Nhựa An Phát Xanh), GMD (CTCP Gemadept), REE (CTCP Cơ điện lạnh), DXG (CTCP Tập đoàn Đất Xanh)...
Mạnh tay mua vào
Tính đến thời điểm hiện nay, hàng chục doanh nghiệp có cổ đông nội bộ đăng ký mua vào 60 triệu CP, với giá trị tương đương 1.400 tỷ đồng. Trong đó, HPG là doanh nghiệp có cổ đông nội bộ đăng ký mua vào số lượng CP lớn nhất. Theo công bố, ông Trần Vũ Minh (con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG) đăng ký mua vào 20 triệu CP HPG (tương đương 394 tỷ đồng). Doanh nghiệp có giá trị CP đăng ký mua vào lớn nhất là REE. Theo công bố, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đăng ký mua vào 15 triệu CP (tương đương 454,5 tỷ đồng).
Danh sách các cổ động nội bộ đăng ký mua vào CP với số lượng lớn còn có bà Trần Thị Thoàn, Phó Tổng giám đốc thường trực AAA, đăng ký mua vào 5 triệu CP AAA (tương đương 55 tỷ đồng); ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT NVL, đăng ký mua 5 triệu CP NVL (tương đương 255 tỷ đồng); ông Đặng Quốc Minh (con Chủ tịch HĐQT NTP) đăng ký mua 1 triệu CP NTP.
Mới nhất, hàng loạt thành viên trong ban lãnh đạo SBT đăng ký mua vào lượng lớn CP. Cụ thể, Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, đăng ký mua vào 1 triệu CP, nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,61% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc, đăng ký mua vào 1 triệu CP, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 0,71%. Ngoài 2 vị trí cấp cao này, hàng loạt thành viên HĐQT của SBT cũng đăng ký mua vào với khoảng 2,5 triệu CP. Như vậy, tổng số CP ban lãnh đạo SBT mua vào lên tới 4,5 triệu CP (tương đương 68 tỷ đồng). Tương tự, hàng loạt thành viên ban lãnh đạo SCR đăng ký “bắt đáy” 5 triệu CP SCR (tương đương 22 tỷ đồng).
Cơ hội hiếm
Cơ hội hiếm
Lý giải việc mua vào CP nội bộ nhằm tăng tỷ lệ sở hữu, một lãnh đạo SBT cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư dài hạn. Theo vị này, bên cạnh triển vọng tích cực của ngành như các chuyên gia thế giới đã phân tích, SBT còn có lợi thế của người tiên phong về việc thu hút NĐT chiến lược nước ngoài. Ngoài ra, SBT hiện đang chiếm lĩnh thị phần trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa sản phẩm từ đường đến cạnh đường - sau đường, thậm chí hợp tác cùng những tên tuổi lớn của châu Âu và châu Á để phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Thoàn cho rằng mục đích của việc đăng ký mua vào 5 triệu CP AAA nhằm đầu tư tài chính dài hạn. Đây thật sự là khoản đầu tư hết sức khôn ngoan, bởi AAA đang giao dịch ở mức giá cực kỳ hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Theo giới đầu tư, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết sẽ giảm mức thuế đối với các mặt hàng của AAA xuất khẩu vào thị trường châu Âu từ mức 3% về mức 0% ngay trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực. Hiện nay, thị trường châu Âu đang chiếm 50% doanh thu mảng xuất khẩu bao bì của AAA.
Việc giảm mức thuế này hết sức có ý nghĩa với doanh nghiệp, khi biên lợi nhuận ròng của mảng sản xuất bao bì màng mỏng của AAA chỉ khoảng 6%. Ngoài ra, AAA sẽ được hưởng lợi đôi chút so với các đối thủ Trung Quốc do tình trạng dịch Covid-19. Tỉnh hình dịch bệnh làm đình trệ sản xuất công nghiệp tại quốc gia này, trong khi AAA hầu hết dùng nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước Trung Đông.
Trước khi đăng ký mua 5 triệu CP NVL, ông Bùi Thành Nhơn đã mua hơn 9,3 triệu CP NVL. Nếu giao dịch thành công, ông Nhơn sẽ nắm giữ 206 triệu CP NVL (tương đương 21,25% vốn điều lệ). Việc ông Nhơn liên tục gom CP NVL trong bối cảnh giá CP xuống đáy, ngoài mục đích chính là đầu tư tài chính, đây còn là hành động biểu tượng. Mục đích nhằm khẳng định với cổ đông và NĐT về tiềm lực và thế mạnh của doanh nghiệp, dù hiện tại đang gặp nhiều khó khăn.
Việc ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp niêm yết mua vào CP, thể hiện sự quyết tâm gắn bó lâu dài và đóng góp sâu rộng hơn nữa các chiến lược đã đề ra, cũng như hoạt động quản trị của doanh nghiệp trong thời gian tới. |