Tuy nhiên, cổ đông của HVG vẫn chưa thể tận hưởng niềm vui trọn vẹn khi doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ khủng sau kiểm toán của năm tài chính 2016-2017.
Nợ vượt tài sản
Theo BCTC hợp nhất kiểm toán cho năm tài chính 2016-2017 (kết thúc vào ngày 30-9-2017) vừa được HVG công bố, doanh nghiệp này bất ngờ báo lỗ hơn 705 tỷ đồng, trong khi năm trước đó vẫn lãi được gần 10 tỷ đồng.
Theo BCTC, doanh thu năm 2017 đạt 15.514 tỷ đồng (giảm 13%), trong đó doanh thu xuất khẩu đối với hoạt động chế biến, nuôi trồng thủy sản đạt gần 7.311 tỷ đồng (chiếm 47% tổng doanh thu), doanh thu từ hoạt động tài chính đạt gần 100 tỷ đồng, chủ yếu nhờ ghi nhận khoản cổ tức, lợi nhuận được chia.
HVG hiện đang nằm trong diện cảnh báo của HOSE, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 âm 49,3 tỷ đồng căn cứ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015-2016, và vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm. |
Trước đó, BCTC quý IV năm tài chính 2016-2017 chưa kiểm toán, lũy kế cả năm doanh thu của HVG đạt 15.864 tỷ đồng (nhiều hơn 350 tỷ đồng so với BCTC sau kiểm toán), lợi nhuận chỉ âm 63 tỷ đồng (ít hơn 642 tỷ đồng so với BCTC sau kiểm toán).
Như vậy, kết thúc năm tài chính 2016-2017, HVG lỗ lũy kế hơn 423 tỷ đồng. Tính đến 30-9-2017, tổng nợ phải trả 11.378 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 10.678 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn là 9.868 tỷ đồng. BCTC của HVG nhận được ý kiến tiêu cực từ kiểm toán viên.
Cụ thể, kiểm toán viên đã nêu vấn đề nhấn mạnh với giả định công ty sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh liên tục. Theo đó, sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
“Lột xác” bất thành
“Lột xác” bất thành
Ngay sau khi thông tin được công bố, HVG đã lao dốc khá mạnh với nhiều phiên giảm sàn liên tục. Đến phiên giao dịch ngày hôm qua (17-1), HVG giảm xuống chỉ còn 7.120 đồng/CP (tương đương mức giảm lên đến 23%). Điều đáng nói là trước đó, HVG đã có đợt sóng tăng cực kỳ ấn tượng kể từ tháng 11-2017, từ mức 5.000 đồng/CP vọt lên gần mệnh giá 10.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 11-1 (tương đương mức tăng xấp xỉ 100%).
Cùng với đó là sự gia tăng đáng kể về thanh khoản với hàng triệu cổ phần được chuyển nhượng mỗi phiên nhờ lực cầu tăng mạnh. NĐT mua vào HVG với kỳ vọng về sự trở lại của một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thủy sản, từng một thời được mệnh danh là “vua cá tra” và tham vọng đạt doanh thu tỷ USD.
Theo thống kê, HVG bị mất cân đối tài chính trên 1.000 tỷ đồng, do trước đây Hùng Vương đầu tư vào M&A gồm: CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), CTCP Thủy sản Tắc Vân, kể cả mở rộng vùng nuôi từ 250ha lên trên 1.000ha.
Phải chăng HVG mất cân đối tài chính do đầu tư vào M&A quá lớn?
Trong khi tham vọng bành trướng trong lĩnh vực chưa thành công, HVG đã rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất do huy động vốn lớn cho các hoạt động thâu tóm doanh nghiệp. Chính vì vậy, một trong những giải pháp tái cơ cấu lại tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng chính là hoạt động thoái vốn khỏi các công ty con.
Mỗi khi có thông tin HVG thoái vốn thành công ở doanh nghiệp nào đó là CP lại tạo sóng. Đầu tiên là thông tin HVG hoàn tất việc thoái vốn tại FMC và bán 1 lô đất tại quận 6 (TPHCM). 2 thương vụ này giúp cho HVG thu về khoản lợi nhuận trước thuế hơn 440 tỷ đồng. Sau khi bán FMC, doanh nghiệp này tiếp tục thoái vốn tại VTF. Theo kế hoạch, HVG sẽ thoái vốn khỏi VTF từ mức 90% như hiện tại xuống còn khoảng 50% (giao dịch dự kiến hoàn tất trước ngày 15-2).
Thực tế, hoạt động thoái vốn khỏi các công ty con đang giúp cho HVG có những chuyển biến tích cực. Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc HVG, chỉ cần thoái vốn được tại FMC và VTF, nguồn thu đem về rất dồi dào và nợ vay giảm được 3.300 tỷ đồng.
HVG buộc phải thoái vốn từng bước nhằm đảm bảo hoạt động và đảm bảo công ăn việc làm cho 16.000 lao động đang làm việc tại công ty và quyền lợi các cổ đông đầu tư vào HVG. 2018 tiếp tục là năm hoạt động chính cực kỳ khó khăn của HVG. Tuy nhiên, với việc thường xuyên công bố thông tin sai lệch và nhiều lần bị UBCKNN xử phạt, thì niềm tin của NĐT với doanh nghiệp này đang cạn dần.