Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phát văn bản yêu cầu Cục Điện ảnh khẩn trương tổ chức kiểm điểm cá nhân, tập thể trong quá trình thẩm định và cấp phép phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ”. Phải chăng, chúng ta đã hơi chủ quan trước mưu đồ bá quyền trên biển Đông vẫn đang được cài cắm tinh vi trong các sản phẩm giải trí?
Để được công chiếu, bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” phải qua được cánh cửa của Hội đồng thẩm định phim quốc gia gồm 11 thành viên. Vì sao “đường lưỡi bò” vẫn bỏ sót trên màn ảnh, mà không bị kiểm duyệt. Rõ ràng, dù không quy chụp nặng nề, thì ai cũng thấy đã có sự mất cảnh giác dẫn đến sự tắc trách của Hội đồng thẩm định phim quốc gia. GS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, bây giờ làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định phim quốc gia, cho biết: “Phim này là phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, nội dung về bảo vệ môi trường, nên... trong quá trình duyệt hoàn toàn có thể xảy ra sơ suất. Hiện chúng tôi đang phải kiểm tra lại bản phim. Nếu có sai sót chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm".
Đáng tiếc, trước khi GS.TS Trần Thanh Hiệp lên tiếng, một thành viên khác trong Hội đồng thẩm định phim quốc gia đã phản ánh khá tiêu cực về hình ảnh “đường lưỡi bò” trong bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ”, rằng “có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên!”. Đúng là chỉ có mấy giây trong toàn bộ nội dung kéo dài 120 phút, nhưng “đường lưỡi bò” chẳng khác gì hạt sạn to đùng trong chén cơm thơm. Dù một giây cũng mang lại cảm giác khó chịu, huống hồ là mấy giây. Bào chữa như vậy trước sự cố “đường lưỡi bò” giống như thêm dầu vào lửa.
Năm ngoái, bộ phim “Điệp vụ biển đỏ” cũng đã để tồn tại một cảnh phim mà các nhân vật trong phim tuyên bố biển Đông là “biển của Trung Quốc”. Lẽ ra, sau “Điệp vụ biển đỏ”, quy trình duyệt phim cần cẩn trọng hơn với những chi tiết liên quan đến chủ quyền biển đảo, nhưng Hội đồng thẩm định phim quốc gia lại tiếp tục thờ ơ để tiếp tục có “đường lưỡi bò” trong bộ phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ”.
GS. Trần Ngọc Vương đánh giá: “Nếu Trung Quốc cố ý cài cắm những thông tin bất lợi về chủ quyền biển cho Việt Nam vào trong phim, thì mình cũng phải có cách để phát hiện chứ. Đây là vấn đề nhận thức của những người kiểm duyệt. Khi quyết định cho phổ biến phát hành xuất bản phẩm họ phải có trách nhiệm rà soát rất kỹ sản phẩm đó. Hiện giờ chiến tranh tâm lý, tuyên truyền tri thức được các nước triển khai rất bài bản, tinh vi. Nên các cơ quan hữu trách ở Việt Nam cũng phải đề cao cảnh giác và phải tự nâng cao trình độ. Trong câu chuyện này tôi thấy trách nhiệm thuộc về Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch rất rõ”.
Cái sai sót thì không thể phủ nhận, còn giải pháp ngăn ngừa thì vẫn bỏ ngỏ. Có lẽ, đã đến lúc phải bàn bạc nghiêm túc hơn về khả năng và trách nhiệm của Hội đồng thẩm định phim quốc gia. Với 11 thành viên, phần lớn đã cao tuổi, Hội đồng thẩm định phim quốc gia phải đối mặt với áp lực rất lớn trong công việc được giao. Mỗi năm, Hội đồng thẩm định phim quốc gia phải duyệt khoảng 250 bộ phim. Thế nhưng, không phải 250 bộ phim chia đều cho cả năm, để khoảng 1-2 ngày thẩm định một tác phẩm, mà phụ thuộc vào thời điểm nhập phim nước ngoài hoặc thời điểm sản xuất phim trong nước. Những công ty điện ảnh mỗi khi gửi phim để duyệt cũng hối thúc rất ghê gớm. Do đó, có ngày Hội đồng thẩm định phim quốc gia phải xem và duyệt 2 hoặc 3 bộ phim. Thử hỏi, sức khỏe thanh niên còn khó đảm đương, thì những vị 60-70 tuổi làm sao căng mắt “chịu trận” một cách êm đẹp.
Bằng kinh nghiệm bản thân, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ: “Tôi đã từng ngồi Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện 5 năm, tôi biết công việc này nặng nề thế nào. Vì xem phim đồng nghĩa cùng một lúc phải theo dõi tất cả các yếu tố âm thanh, hình ảnh (trong hình ảnh có bối cảnh, diễn viên, trang phục). Người xem phải căng mắt, căng tai, chỉ sơ sẩy chút thôi là để lọt thông tin. Trước kia ít phim, duyệt không phức tạp như bây giờ. Còn hiện nay mỗi ngày duyệt đến 2 phim, những thành viên hội đồng sẽ phải chịu áp lực rất lớn về thể chất lẫn tinh thần. Thù lao cho mỗi buổi duyệt phim cũng rất thấp. Khi làm việc với cường độ liên tục sẽ xảy ra tình trạng bão hòa, sẽ có lúc sẽ bị xao nhãng. Đặc biệt là bây giờ phim phức tạp hơn, khi có nhiều ý đồ chính trị cài cắm tinh vi hơn, đòi hỏi người duyệt căng thẳng hơn bao giờ hết. Đến giờ phim hoạt hình còn cài cắm ý đồ chính trị nữa là… Nhưng đã làm công việc này không có cách nào khác phải căng mắt, căng tai mà duyệt. Và nếu sai cũng phải chịu trách nhiệm, đâu có cách nào khác”.
Vai trò của Hội đồng thẩm định phim quốc gia rất cần thiết. Tuy nhiên, xây dựng cơ quan chuyên môn này sao cho phù hợp và hiệu quả là điều phải đắn đo. Cơ chế duyệt phim mà Cục Điện ảnh đang áp dụng, đã bắt đầu phơi bày sự bất cập. Những thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia, có không ít vị kiêm nhiệm nên không thể toàn tâm toàn ý cho công tác được xã hội giao cho. Cảnh táo tợn tuyên bố “biển Đông là biển Trung Quốc” trong bộ phim “Điệp vụ biển đỏ”, hoặc hình ảnh “đường lưỡi bò” trong bộ phim “Everest- Người tuyết bé nhỏ” là những trường hợp do công chúng phát hiện và tố giác, còn hàng trăm bộ phim khác thì sao? Nếu xem lại cho cẩn thận, chắc chắn sẽ hiển lộ những chi tiết hoặc những lời thoại phản cảm khác.
Cảnh sexy hoặc cảnh bạo lực trên phim có thể miễn cưỡng tha thứ, nhưng những cảnh xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia thì không thể bỏ qua dễ dàng. Đó là thái độ cần thiết của công chúng cũng như của cơ quan chức năng. Hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng tinh vi hơn. Họ không chỉ áp dụng trong lĩnh vực quân sự, mà còn triển khai trên mặt trận văn hóa. Ngoài những bộ phim thì các game show hoặc các talkshow của truyền hình Trung Quốc cũng phô diễn “đường lưỡi bò” rất trắng trợn. Để ứng phó với sự nhiễu nhương từ bên ngoài, người Việt Nam không thể không nâng cao sự cảnh giác.