Cơ hội cho nghệ sĩ đương đại

(ĐTTCO) - Hội thảo và Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế - Hanoi Art Connecting lần 5 (do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, cùng Nhóm Kết nối nghệ thuật Châu Á tổ chức) trở lại sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, với sự tham gia của 100 nghệ sĩ trong nước và sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ 24 quốc gia. 
Các nghệ sĩ điêu khắc tại Hanoi Art Connecting lần 5 Ảnh: Fanpage Hanoi Art Connecting
Các nghệ sĩ điêu khắc tại Hanoi Art Connecting lần 5 Ảnh: Fanpage Hanoi Art Connecting

1.

Hơn 140 tác phẩm thuộc các lĩnh vực: hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt… cho thấy chương trình lần này chú trọng vào việc phát hiện, thúc đẩy các nhân tố nghệ thuật trẻ, giàu sáng tạo, tạo điều kiện kết nối giữa thế hệ mới và lớp nghệ sĩ gạo cội đi trước.
Đây được xem là một trong những sự kiện hiếm hoi tổ chức trong nước, dành cho nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại có cơ hội trải nghiệm và học hỏi cùng nhau. Thay vì kéo dài trong 1 tháng như dự kiến ban đầu (từ ngày 9-4 đến 9-5), ban tổ chức thông báo sự kiện dược duy trì đến hết ngày 1-6.
Lần đầu góp mặt trong sự kiện Hanoi Art Connecting, nghệ sĩ điêu khắc Đỗ Hà Hoài (đến từ TPHCM) chia sẻ: “Hanoi Art Connecting mang đến cho nghệ sĩ những trải nghiệm, cơ hội học hỏi nhau về kỹ thuật cũng như quan điểm sáng tác. Đặc biệt là sự kiện kết nối tất cả nghệ sĩ mọi miền đất nước cũng như quốc tế, mang đến cho chúng tôi và nhiều đồng nghiệp khác một năng lượng sáng tác đa chất liệu, đa ngôn ngữ tạo hình cũng như ý tưởng sau đại dịch”.

2.

Theo nhiều nghệ sĩ lẫn các nhà nghiên cứu mỹ thuật, nghệ thuật đương đại không dễ dàng theo đuổi, khán giả cảm thụ chưa nhiều nhưng kinh phí để duy trì các thực hành sáng tạo không hề nhỏ.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi bày tỏ: “Nghệ thuật đương đại thường có khoảng cách nhất định với thương mại và thị trường, nên chi phí hoạt động luôn là vấn đề lớn của các nghệ sĩ và không gian trưng bày vốn rất tốn kém. Khán giả của nghệ thuật đương đại cũng cần được đào tạo, chứ không thể tự dưng mà có, nên bên cạnh các không gian, sự kiện, nhà trường và xã hội cũng cần có những hoạt động giáo dục, bổ trợ dài lâu cho nghệ thuật đương đại, không thể để tự bơi và tự phát như lâu nay”. 
Những sự kiện như Hanoi Art Connecting là dịp cho nghệ sĩ trẻ thực hành nghệ thuật đương đại tìm kiếm thêm cơ hội để có thể học hỏi cũng như các nguồn quỹ tài trợ. Không chỉ là sự kiện nghệ thuật, toàn bộ nghệ sĩ được mời tham dự Hanoi Art Connecting đều được hỗ trợ kinh phí.
Họa sĩ Trịnh Tuân (người sáng lập và đồng tổ chức chương trình Hội thảo và Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế Hanoi Art Connecting lần 5) cũng bày tỏ: “Thông qua sự kiện, chúng tôi đã kết nối và phát hiện nhiều nghệ sĩ tài năng sống ở những tỉnh, thành phố không phải là trung tâm văn hóa nghệ thuật. Nhiều người chia sẻ, nếu như không có Hanoi Art Connecting, họ sẽ khó có cơ hội tham gia các hoạt động nghệ thuật quốc tế như thế này”.

3.

Bên cạnh những sự kiện trực tiếp, hội nhóm chia sẻ về nghệ thuật trên mạng xã hội cũng cập nhật thông tin về các quỹ hỗ trợ sáng tạo trong và ngoài nước như Vietnam Artists Resource Group (Hỗ trợ Nguồn lực cho nghệ sĩ Việt Nam) hay Nhóm Kết nối nghệ thuật Châu Á (Asia Art Link)… để mở thêm cơ hội cho nghệ sĩ trẻ.
Những nguồn hỗ trợ bên ngoài phần nào giảm bớt những khó khăn trong thực hành nghệ thuật đương đại, và là động lực cho nghệ sĩ trẻ rèn luyện sự tự tin, năng động hơn để chinh phục các quỹ tài trợ.
Nhận được sự hỗ trợ từ Viện Goethe (Đức) và Galerie Quynh, để thực hiện lớp học cảm thụ nghệ thuật dành cho bạn trẻ từ 14 tuổi đến 19 tuổi tại TPHCM, Linh Lê (cử nhân ngành Quản lý nghệ thuật từ Học viện Nghệ thuật Nanyang, Singapore) chia sẻ: “Là người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo nên tôi rất mong muốn tạo ra những giá trị để nâng cao thẩm mỹ cộng đồng. Lớp học cảm thụ nghệ thuật Cá Rô do Galerie Quynh khởi xướng và hỗ trợ địa điểm, cùng nguồn kinh phí từ Viện Goethe, để các thành viên trong nhóm có thể dự tính những hướng đi đường dài”.
Trên con đường dài để chinh phục công chúng và hướng đến tương lai, sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư sáng tạo là điều thiết thực, nhưng hơn hết vẫn là tâm thái sáng tạo ở nghệ sĩ. “Tài trợ đến từ các quỹ trong hay ngoài nước cũng tùy vào từng nghệ sĩ và từng giai đoạn sáng tác của mỗi người. Tôi nghĩ nghệ sĩ trẻ nên hoạt động tích cực, độc lập trong giai đoạn sơ khai nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật”, nghệ sĩ điêu khắc Đỗ Hà Hoài bày tỏ.
 Chương trình hỗ trợ và phát triển tài năng trẻ do Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom tổ chức hiện đang mở đợt hỗ trợ nghệ sĩ trẻ trong 2 lĩnh vực hội họa và điêu khắc. Thời hạn đăng ký từ nay đến hết ngày 31-5, qua địa chỉ trực tuyến: info-vcca@vingroup.net. Nghệ sĩ được xét duyệt sẽ nhận hỗ trợ với 3 gói tài trợ chi phí đi lại (Travel Grant) cho 3 cá nhân tham gia sáng tác, cư trú, hoạt động nghệ thuật trong nước; 3 gói tài trợ sáng tác (Art Grant) cho các dự án vừa và nhỏ tại Việt Nam, hoặc các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện tác phẩm tại nước ngoài; và 1 gói tài trợ sáng tác (Art Grant) cho 1 nghệ sĩ trẻ thực hiện chuyến đi cư trú và sáng tác tại một thành phố ở Việt Nam.

Các tin khác