Cơ hội cho những ứng viên mới tại Liên hoan phim

(ĐTTCO) - Những phim đã “thử lửa” khán giả không còn là bí mật ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22. Công chúng đang hy vọng ở những bộ phim mới lần đầu tiên ra mắt. Có 5 ẩn số thú vị là các bộ phim “Con đường có mặt trời”, “Khúc mưa”, “Miền ký ức”, “Cơn giông” và “Người lắng nghe” nằm trong danh sách những bộ phim được trình chiếu ở Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22. 

Một cảnh trong bộ phim “Người lắng nghe”.
Một cảnh trong bộ phim “Người lắng nghe”.
1. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 là lễ hội điện ảnh đầu tiên của Việt Nam được tổ chức trực tuyến, để thích ứng với tình hình phòng chống Covid-19. Một trong những điểm “nóng” mà công chúng quan tâm là sự góp mặt của danh hài Trấn Thành và bộ phim “Bố già”.
Tại buổi họp báo về Liên hoan phim lần thứ 22, nhiều ý kiến đã băn khoăn về những lùm xùm quyên góp từ thiện của Trấn Thành. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã khẳng định: “Những nghi vấn về nghệ sĩ Trấn Thành chưa được cơ quan điều tra kết luận, vậy nên vẫn đủ tư cách tham dự Liên hoan phim 2021. Trừ khi có quyết định chính thức từ cơ quan điều tra, ban tổ chức mới xem xét lại”.
Liên hoan phim lần này bổ sung 2 hạng mục giải thưởng mới là “Giải kỹ xảo phim truyện điện ảnh xuất sắc” và “Giải đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc”. Bộ phim “Bố già” không chỉ đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng mà còn là tác phẩm đạo diễn đầu tiên của Trấn Thành (đứng tên chung với đạo diễn Vũ Ngọc Đãng). Vì vậy, cơ hội để bộ phim “Bố già” được vinh danh và Trấn Thành được trao “Giải đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc” là rất cao.
Một ứng viên được xem là đối thủ nặng ký của “Bố già” là phim “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ngoài yếu tố đã từng đạt doanh thu 175 tỷ đồng khi công chiếu vào cuối năm ngoái, phim “Tiệc trăng máu” quy tụ rất nhiều diễn viên ăn khách như Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Kiều Minh Tuấn, Thái Hòa, Thu Trang, Kaity Nguyễn...
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thổ lộ về tác phẩm của mình sau khi thành công về mặt thị trường để tự tin bước vào sân chơi soi xét chất lượng nghệ thuật: “Kịch bản gốc “Tiệc trăng máu” được làm lại đến 19 lần trên toàn cầu, nếu tính cả bản Việt, là vì kịch bản thông minh, bối cảnh nhỏ nhưng nội dung kịch tính từ đầu đến cuối. Ngoài ra, câu chuyện rất gần gũi.
Tuy giữ nguyên đường dây bản phim gốc, tôi vẫn muốn thử xem nếu để 7 nhân vật ở cùng một chỗ, câu chuyện sẽ được dẫn dắt ra sao. Hơn 10 năm trong nghề, tôi không ưu tiên dòng remake. Các phim trước đây đều dựng từ kịch bản gốc. Tôi nghĩ làm lại tác phẩm đã thành công cũng là cách thả lỏng bản thân, giúp tôi có thêm động lực với những dự án tiếp theo”. 
2. Liên hoan phim lần này có 5 bộ phim sản xuất trong 2 năm 2020-2021, nhưng chưa có dịp công chiếu rộng rãi. Nếu so với những bộ phim đã từng làm mưa làm gió ở hệ thống rạp chiếu, 5 bộ phim này đều là các ứng viên xa lạ. Vì sao 5 bộ phim xứng đáng được nhiều người chờ đợi so với những bộ phim khác tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22? Có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, 5 bộ phim này không nằm trong kiểu phim phần tiếp theo của tác phẩm ăn khách. Thứ hai, không nằm trong trào lưu phim remake làm lại từ kịch bản nước ngoài. Thứ ba, do chưa khởi chiếu nên không nằm trong các sản phẩm thất bại về mặt doanh thu. Các bộ phim trên đều là những bộ phim thuần Việt và có khát vọng đổi mới về thủ pháp điện ảnh. Vậy, giá trị của 5 ứng viên bí mật kia như thế nào?
Bộ phim “Con đường có mặt trời” của đạo diễn Vũ Anh Nhất là thí dụ về đổi mới của Điện ảnh Quân đội. Bộ phim bắt đầu từ câu chuyện một quán quân “Thần tượng âm nhạc” đăng ký nhập ngũ, được trải nghiệm và trưởng thành trong môi trường quân đội. Phim phản ánh cuộc sống của những người chiến sĩ trẻ, bên cạnh những giờ phút luyện tập nghiêm túc và hăng say lao động, họ cũng thể hiện bản tính chân thành sôi nổi của thanh niên.  
Bộ phim “Khúc mưa” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, cũng do Điện ảnh Quân đội sản xuất, nhưng gai góc hơn. Lấy đề tài hậu chiến, bộ phim xoay quanh bi kịch do xung đột của một gia đình thuộc chế độ cũ, xâu chuỗi con đường hình thành nhân cách của một cậu bé từng thoát chết khi theo cha vượt biên. Với bộ phim “Khúc mưa”, sự sợ hãi, sự ám ảnh và sự hận thù dần dần được hóa giải để nhường chỗ cho sự yêu thương và sự ấm áp.
Bộ phim “Miền ký ức” của đạo diễn Bùi Kim Quy mang màu sắc tâm linh. Trong phim, không gian lẫn thời gian của cõi âm và cõi dương được kết nối để gửi thông điệp về thiện ác tuần hoàn, nhân quả báo ứng. Bộ phim được làm hậu kỳ khá công phu tại Đức và Thái Lan, với sự góp mặt của những diễn viên triển vọng như Vũ Mộng Dao, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Văn Thái, Bùi Thị Minh Phương.
Còn bộ phim “Cơn giông” của đạo diễn Trần Ngọc Phong, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Văn Thảo. Bộ phim miêu tả những cuộc đời nổi trôi với những số phận kỳ lạ nơi mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Tiểu thuyết “Cơn giông” đã có chỗ đứng riêng, nên bộ phim cũng đối diện không ít áp lực. Tuy nhiên, nhờ phát huy ưu điểm về lối sống sông nước, nên bộ phim cũng đem lại những cảm giác thú vị cho người xem.  
Bộ phim “Người lắng nghe” của đạo diễn Khoa Nguyễn khai thác yếu tố tâm lý - kinh dị. Bộ phim  nói về An Nhiên - một nhà văn bị ám ảnh bởi hình bóng người con gái tên Lê Vân - cũng là nhân vật chính trong tiểu thuyết của mình. Đến khi hoàn thành tác phẩm cũng là lúc người phụ nữ từ trang sách bước vào đời của An Nhiên rồi đeo bám, gây ra chuỗi sự kiện kinh hoàng.
Bộ phim tương đối nổi bật hơn 4 bộ phim còn lại vì đã từng đoạt 3 giải tại Liên hoan phim quốc tế châu Á - AFAIFF 2021. Mặt khác, dàn diễn viên của bộ phim “Người lắng nghe” như Oanh Kiều, Quang Sự, Phạm Quỳnh Anh, Quốc Cường… cũng đều là những tên tuổi của màn ảnh đương thời. 

Các tin khác