Ngay khi hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu có hiệu lực, 77% dòng thuế của ngành giày dép sẽ được cắt giảm, trong đó 73% (tương đương 99% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này) sẽ được xóa bỏ hoàn toàn với lộ trình tối đa 5 năm. Cơ hội đang mở ra rất lớn, song theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM, cơ hội có nhưng khó tận dụng.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nguyên do nào khiến cơ hội dù nhìn thấy trước mắt nhưng DN lại khó tận dụng?
Ông NGUYỄN VĂN KHÁNH: - Nếu nhìn vào những cam kết của phía Liên minh kinh tế Á Âu khi mở cửa cho ngành da giày, có thể thấy cơ hội không nhỏ. Tuy nhiên, các DN Việt Nam rất khó tận dụng cơ hội này bởi đến nay chi phí vận chuyển sang khu vực này vẫn còn khá cao và thời gian vận chuyển dài. Nếu có khâu trung gian hỗ trợ may ra DN mới có thể tận dụng được.
Mới đây, trong hội có 1 DN sang khảo sát thị trường khu vực này, DN đó khẳng định tiềm năng thị trường lớn và khi hiệp định có hiệu lực thuế về 0% cũng rất lợi thế, nhưng 2 điểm mấu chốt như tôi nói ở trên DN vẫn chưa tìm ra lời giải. Tất nhiên, về phía hiệp hội, chúng tôi khuyến khích DN mở rộng thêm thị trường và nghiên cứu đưa mặt hàng chiến lược là da cá sấu sang thị trường này vì người tiêu dùng Nga rất thích.
Tuy nhiên, theo tính toán của không ít DN, với chi phí, thời gian qua khu vực Liên minh Á Âu thì đưa hàng qua Hoa Kỳ vẫn hơn. Do đó rất nhiều DN đang chờ đón cơ hội lớn từ Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với FTA Việt Nam - Hàn Quốc, DN trong nước cũng khó tận dụng vì giày Hàn Quốc rất đẳng cấp. Ngoài việc tận dụng các cơ hội từ các hiệp định, hiệp hội và các DN đang nỗ lực trong việc mở rộng thêm thị trường xuất khẩu. Sắp tới đây chúng tôi sẽ làm việc với đoàn khoảng 30 DN đến từ Hồng Công và 30 khách hàng đến từ Campuchia. Hy vọng chúng ta có thể mở rộng xuất khẩu sang những thị trường này.
- Thực trạng DN xuất khẩu ngại đơn hàng nhiều hiện nay ra sao, thưa ông?
- Trước hết, cần khẳng định tình hình xuất khẩu chung của ngành da giày 2 quý vừa qua vẫn tốt, đơn hàng nhiều. Tuy nhiên, trong mức tăng trưởng xuất khẩu chung ấy, phần nhiều miếng bánh vẫn thuộc về các DN FDI, còn DN nội chỉ chiếm phần nhỏ.
Thực trạng DN xuất khẩu ngại đơn hàng nhiều hiện nay vẫn đang diễn ra. Các DN xuất khẩu rất lo lắng về đơn giá. Theo quan niệm của các đối tác nước ngoài, đơn hàng càng nhiều giá càng phải giảm, tuy nhiên thực tế ở Việt Nam các yếu tố đầu vào không ổn định và chủ yếu biến động tăng.
Chính vì thế, các DN ngại những đơn hàng lớn. Có đơn hàng không thể không ký, nhưng ký rồi lại phập phồng không biết sao. Vì đầu vào bên mình không ổn định, đầu ra phía khách hàng cũng khó nắm bắt. Cũng có ý kiến cho rằng trong bối cảnh nhiều đơn hàng lớn, các DN trong nước nên mở rộng sản xuất, mở rộng mặt bằng, nhưng ít DN có khả năng làm điều này vì thiếu vốn.
Mặc dù hiện nay ngân hàng đã rất cởi mở khi định giá tài sản lên tới 90%, nhưng các DN cũng còn nhiều cái khó. Vốn đầu tư mặt bằng, nhà xưởng, máy móc… không hề nhỏ trong khi vòng quay vốn chậm.
![]() |
Ngành da giày Việt Nam vẫn chịu nhiều sức ép. |
- Ngoài câu chuyện xuất khẩu, ngành da giày Việt Nam cũng có những chiến lược chiếm lĩnh lại thị trường nội địa. Là người theo sát các chương trình nội địa, ông có thể chia sẻ tình hình hiện nay ra sao?
- Có thể thấy, 2 quý vừa qua tình hình không mấy khả quan, sức tiêu thụ của thị trường nội rất chậm. Trước nay, một số DN khi đẩy mạnh thị trường nội địa đã mở khá nhiều cửa hàng nhằm quảng bá thương hiệu, nhưng nay theo tôi được biết, hầu hết DN đều có chiến lược thu hẹp những cửa hàng không mang lại hiệu quả.
Tất nhiên, thu hẹp cái này sẽ có chiến lược phát triển mảng khác, nhưng đến nay các DN vẫn chưa chia sẻ cụ thể về điều này. Chính chúng tôi cũng chưa thể tìm được những lý do thỏa đáng. Có thể do kinh tế chưa thực sự phục hồi nên người tiêu dùng trước hết phải lo cái ăn, rồi đến cái mặc (quần áo), còn cái mang (giày, dép) có lẽ chưa được ưu tiên. Nhưng thêm vào đó, hiện nay đa phần người tiêu dùng nếu có tiền sẽ mua hàng Thái Lan, còn ít tiền thì mua hàng Trung Quốc, chứ không mặn mà với hàng Việt Nam.
Hàng Trung Quốc lâu nay vẫn mạnh với 2 ưu điểm chính là mẫu mã đa dạng và giá rẻ. Nói về mẫu mã, DN Việt Nam không thể chạy đua và bản thân hiệp hội cũng không khuyến khích các DN chạy đua, vì có đua cũng không lại các sản phẩm của Trung Quốc. Khâu thiết kế trong ngành da giày của chúng ta vẫn còn rất yếu. Chúng tôi cũng mong chờ những thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng.
Thời gian trước, khi những thông tin hàng Trung Quốc không đảm bảo an toàn lan truyền, người tiêu dùng cũng tạm rời xa một thời gian, nhưng nay đâu lại vào đấy. Nếu không có sự đồng lòng của người tiêu dùng, DN Việt sẽ mất đi cơ hội trên chính sân nhà của mình. Tất nhiên, về phía DN cần có những chiến lược phù hợp hơn với nhu cầu của người dân, đặc biệt phải nắm bắt tận dụng cơ hội, dù là nhỏ nhất.
- Xin cảm ơn ông.