Cơ hội của 7.000 tỷ đồng

(ĐTTCO) - Phiên 16-5, GTGD trên toàn thị trường đạt hơn 7.000 tỷ đồng, riêng tại HOSE đạt gần 6.000 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ năm 2009 đến nay. 
Cơ hội của 7.000 tỷ đồng
Những năm trước đây, khi những phiên có thanh khoản từ 5.000 tỷ đồng xuất hiện cũng là dấu hiệu cho việc tạo đỉnh của TTCK. Riêng năm 2017 này liệu có khác?
Dòng tiền khủng

 Phiên 17-5, bất chấp những lo ngại thị trường phân phối đỉnh, dòng tiền vẫn đổ vào rất mạnh và tổng GTGD khớp lệnh trên cả 2 sàn tiếp tục đạt 5.000 tỷ đồng. VN Index kết thúc phiên tăng hơn 2 điểm lên hơn 727 điểm trong khi HNX Index cũng tăng 0,63 điểm lên 91,91 điểm.
Nếu xét về tổng GTGD, phiên 16-5 chưa phải kỷ lục, bởi trong phiên 21-4 tổng GTGD cả khớp lệnh lẫn thỏa thuận tại HOSE đã lên đến hơn 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, GTGD thỏa thuận trong phiên này lên đến gần 2.800 tỷ đồng (gần 47% tổng GTGD) nên nhiều NĐT vẫn còn dè dặt trong các nhận định về thanh khoản.
Còn với phiên 16-5, GTGD khớp lệnh đã lên đến gần 5.800 tỷ đồng (tổng GTGD đạt gần 6.000 tỷ đồng), một con số hoàn toàn thuyết phục. Dù VN Index tạo đỉnh hay chưa, việc có một lượng tiền lớn sẵn sàng gia nhập sàn CK dẫu ngắn hạn hay dài hạn cũng là điều đáng mừng.
Dòng tiền tham gia TTCK giờ đây dù dài hạn hay lướt sóng về lâu dài vẫn sẽ ở lại và tìm kiếm cơ hội. Song CK hiện không phải là kênh dễ ra/vào, phải có kinh nghiệm và sự am hiểu thực sự NĐT mới sẵn sàng tham gia, nên thường có tính chất dài hạn. Nói cách khác, dòng tiền tham gia thị trường sẽ bớt nóng hơn và có xu hướng ở lại lâu dài.  

Điểm khác biệt cơ bản của thị trường tại thời điểm hiện nay so với những năm trước đây là số lượng hàng hóa, đặc biệt những CP có vốn hóa và thanh khoản lớn đã tăng đáng kể. Giai đoạn từ 2013-2016, thị trường có nóng thế nào, diễn biến ra sao VN Index cũng biến động dựa trên sự tăng giảm của những ông lớn như BID, BVH, MSN, VIC, VNM… Nhưng tình thế hiện nay đã khác hoàn toàn với những tân binh khổng lồ như SAB, PLX, VJC… Trước đây dòng tiền chủ yếu dồn vào nhóm tứ trụ hay ngũ trụ để rồi khi CP tăng quá buộc phải điều chỉnh, còn hiện nay lại diễn biến theo kiểu xoay trục.
Nói đơn cử phiên 16-5, PLX tăng rất tốt từ gần 4.9 lên hơn 5.1 với thanh khoản đạt hơn 3,6 triệu CP; đến phiên 17-5, khi PLX điều chỉnh nhẹ trở lại đến lượt VNM trở thành nhân tố chính giúp VN Index từ chỗ giảm giữa phiên chuyển sang tăng vào cuối phiên. VN Index phiên 17-5 tăng 2,17 điểm lên mức 727,2 điểm, trong khi VNM tăng đến 3.500 đồng/CP, tương đương 2,4% lên 147.000 đồng/CP, sau phiên này giá trị vốn hóa VNM đạt hơn 208.000 tỷ đồng. 

Sau nhiều phiên duy trì mức giá trên 200.000 đồng/CP, khoảng 2 tuần qua SAB bắt đầu rơi khỏi ngưỡng này và phiên 17-5 giá CP này chỉ còn hơn 188.000 đồng/CP. Vấn đề là khi SAB “thả lỏng” lại có PLX vươn lên mạnh mẽ, dù trước khi PLX lên sàn đã có ý kiến cho rằng nếu PLX cao hơn 4.0 sẽ “hết vị”, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thấy CP này giảm xuống dưới 4.0, ngược lại còn vượt qua ngưỡng 5.0 tương đối đơn giản. Tiền nhiều sẽ cần hàng nhiều và rõ ràng nguồn cung CP hiện nay đáp ứng được nhu cầu của NĐT, không có CP tăng quá nóng nên khả năng giảm mạnh cũng được hạn chế, giúp NĐT tự tin hơn trong việc mua vào. 

Như vậy, so với những vùng đỉnh về thanh khoản trước đây, cách thức vận hành cũng như mặt bằng hàng hóa hiện nay của thị trường đã thay đổi rất nhiều, nên nếu chỉ dựa vào GTGD để kết luận thị trường đã phân phối đỉnh hay chưa e rằng sẽ phiến diện. Nói như vậy không có nghĩa thị trường ở vào trạng thái an toàn tuyệt đối, mà trái lại có khi VN Index tăng, CP này, nhóm ngành nọ tăng nhưng NĐT vẫn có thể thua lỗ. 

Rủi ro không kém

Phiên 16-5, GTGD khớp lệnh của FLC, ROS và những CP “siêu thanh khoản” lần lượt đạt gần 1.500 tỷ đồng và 270 tỷ đồng, chiếm gần 30% thanh khoản toàn thị trường. Có nhiều lý do để những CP này thu hút dòng tiền và một trong những lý do thấy CP có khả năng tăng giá thì mua. Từ lý do này cũng có thể suy ra rủi ro đi kèm chính là khi CP không còn cho thấy khả năng tăng giá nữa NĐT sẽ chán, ít nhiều việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường chung. 

Ngoài việc tập trung vào CP siêu thanh khoản, dòng tiền cũng hướng đến những CP tân binh có vốn hóa lớn kiểu như PLX. Giá cao, KLGD cũng cao nên GTGD của PLX quy ra USD đạt từ 4-5 triệu USD/phiên và tính từ ngày đại gia xăng dầu này lên sàn đến nay chỉ có 1 phiên duy nhất bị khối ngoại bán ròng vào ngày 9-5.
Việc khối ngoại mua PLX cũng điều dễ hiểu, vì nhu cầu sở hữu một CP có giá trị vốn hóa lớn, nhiều tiềm năng trong kinh doanh, vị thế đầu ngành và cũng là để mô phỏng thị trường. Nhưng rủi ro kèm theo là khi đã mua đủ số hoặc giá cũng ở một mức không thể cao hơn nữa, dòng tiền sẽ có xu hướng chững lại. Riêng với dòng tiền này, tính quyết định không chỉ nằm ở PLX mà còn ở lượng cung hàng hóa trên toàn thị trường, trong thời gian tới có xuất hiện thêm những CP tương tự hay không?

Dòng tiền cuối cùng tất nhiên tập trung ở nhóm CP “nóng”, bao gồm CK, bất động sản, ngân hàng và thậm chí một phần dệt may. Tuy nhiên, dòng tiền này sẽ có vòng xoay rất nhanh và cũng không dễ đoán định vì trong một xu hướng vận hành thuận lợi của TTCK, dường như CP nào cũng có khả năng tăng giá và tính chọn lọc đôi khi không quá cao. 

Phân tích 3 xu hướng chính của dòng tiền hiện nay sẽ thấy một trạng thái, đó là cung đang gặp được cầu để khớp lệnh với nhau, nhưng rủi ro sẽ xuất hiện nếu 1 trong 2 bên bị đẩy lên một mức thái quá. Đơn cử, nếu nguồn cung CP không đủ đáp ứng dòng tiền, khả năng giá CP bị đẩy lên quá nóng sẽ xuất hiện.
Đặc biệt, đối với những CP có sóng ngành, khi dòng tiền lựa chọn xong những CP đầu ngành sẽ có xu hướng “vét” cả những CP chất lượng kém hơn, lúc này rủi ro lập tức xuất hiện và thông thường NĐT sẽ mua CP với tâm thế mua xong để bán càng nhanh càng tốt thay vì chú trọng đến các yếu tố cơ bản. 

Các tin khác