Động thái này diễn ra giữa lúc quan hệ Baghdad - Washington có phần căng thẳng sau cuộc không kích làm tướng Iran Qassem Soleimani và lãnh đạo dân quân cấp cao của Iraq, Abu Mahdi al-Muhandis, thiệt mạng ở gần sân bay Baghdad.
Iraq tự điều chỉnh
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Iraq cho biết, các bên đã thảo luận về triển vọng hợp tác và phối hợp. Cả hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin và phối hợp để ngăn chặn sự hồi sinh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Cuộc họp diễn ra tại thời điểm không chắc chắn về tương lai của quan hệ quân sự Iraq - Mỹ sau cuộc không kích trên. Vụ tấn công này đã khiến các chính đảng người Shiite lớn mạnh kêu gọi điều chỉnh các chiến lược hiện tại giữa Iraq và liên minh do Mỹ lãnh đạo.
Máy bay của quân đội Mỹ hạ cánh xuống căn cứ không quân Ain al-Asad, ở Anbar, Iraq ngày 13-1-2020. Ảnh: AP
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức tình báo quân sự cấp cao của Iraq cho biết Nga, là một trong số nhiều quốc gia khác, đã cung cấp hỗ trợ quân sự cho Iraq trong bối cảnh mối quan hệ giữa nước này với Mỹ căng thẳng sau vụ không kích trên. Cụ thể, Nga và Iran đã cam kết hỗ trợ, trang bị máy bay trinh sát cho Iraq.
Cũng theo nguồn tin trên, Chính phủ Iraq đã thông báo với quân đội là sẽ giảm thiểu hợp tác với Mỹ, không tìm kiếm sự hỗ trợ từ liên minh do Mỹ lãnh đạo trong các hoạt động quân sự chung nhắm vào IS.
Tướng Frank McKenzie, chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại Trung Đông, cũng vừa thừa nhận rằng quan hệ với Iraq “đang trong thời kỳ hỗn loạn”. Cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad khiến nhiều người Iraq nhận ra mục tiêu của chính quyền Washington không phải sự ổn định của Iraq mà là Iran. Kết quả chắc chắn của cuộc không kích là kỷ nguyên của sự hợp tác giữa Mỹ và Iraq đã chấm dứt.
Cơ hội củng cố thêm vị thế của Nga
Tướng Iran Soleimani không phải là nạn nhân duy nhất trong cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad, mà còn có một “cái chết” khác, đó là mối quan hệ Mỹ - Iraq. Cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iraq đang xấu đi và có khả năng trở thành sự thù địch công khai. Sau cái chết của tướng Qasem Soleimani, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bận rộn ngay với nhiều hoạt động đối với khu vực, phần lớn liên quan tới giải quyết là hậu quả địa chính trị của vụ Mỹ giết tướng Soleimani.
Theo giới quan sát, về mặt chính trị, Nga là cường quốc duy nhất trên thế giới có mối quan hệ tốt với Iran và các quốc gia khác trong khu vực. Với Iran, Moscow và Tehran đã hợp tác cùng nhau tại Syria để hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashir al-Assad đánh đuổi hoặc tiêu diệt IS và các lực lượng chống chính phủ Syria. Nga đã từng tuyên bố một liên minh cùng với Iran, Iraq và Syria chống lại IS.
Mới nhất, cuộc tập trận hải quân Nga - Iran - Trung Quốc lần đầu tiên hồi tháng 12-2019 ở vịnh Oman và Bắc Ấn Độ Dương đã phản ánh sự hợp tác ngày càng tăng với Iran. Động thái này gần như không thể xảy ra vào thời điểm 10 năm trước, khi trách nhiệm duy trì trật tự cho những tuyến hàng hải ở khu vực thuộc về Mỹ và các đồng minh thân cận.
Do những căng thẳng hiện tại với Washington, Tehran cần sự hỗ trợ của 2 cường quốc thế giới này để kiềm chế mọi hành động quân sự của Mỹ. Những động thái này đã khiến Iraq có bước đi thắt chặt quan hệ quân sự mạnh dạn hơn với Nga.
Theo giới quan sát, Nga đang có cơ hội thách thức sự thống trị quyền lực của Mỹ trong khu vực và chắc chắn sẽ đẩy mạnh hoạt động sau khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu Washington rút quân.