Đi cùng với thế giới
Tại Việt Nam, trễ nhất so với các nhà mạng khác, đến ngày 24-4 VNPT mới chính thức thử nghiệm thành công mạng VinaPhone 5G tại Hà Nội và TPHCM. Kết quả thử nghiệm mạng VinaPhone 5G đạt hơn 2,2Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ lý tưởng gần như bằng 0. Đây là những số liệu tích cực, tiệm cận với chuẩn 5G của thế giới.
Trước đó, tháng 3-2020, MobiFone đã triển khai những trạm phát sóng 5G đầu tiên tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM). Đến nay, quá trình thử nghiệm đã hoàn tất và hệ thống mạng của MobiFone đã sẵn sàng, đảm bảo tương thích về mặt công nghệ cho mạng 5G khi kết nối có thể hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Sớm nhất trong triển khai 5G là nhà mạng Viettel. Ngày 21-9-2019, Viettel đã triển khai phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) tại TPHCM. Sự kiện đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới. Công nghệ 5G do Viettel triển khai đồng hành với lộ trình chuẩn hóa của tổ chức 3GPP.
Như vậy đến nay tại Việt Nam, 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đã thử nghiệm thành công 5G, mở ra nhiều cơ hội lớn trong phát triển ứng dụng, hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là ứng dụng cho chính phủ điện tử, đô thị thông minh.
Trong khi đó tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này vừa tuyên bố sẽ tích cực quảng bá trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G để hỗ trợ nền kinh tế một khi dịch bệnh được kiểm soát. Động thái này cho thấy Hàn Quốc sẽ lấy AI và công nghệ 5G làm trung tâm của “Chính sách mới”, với mục tiêu tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng hậu Covid-19.
Còn tại lãnh thổ Đài Loan, nhà khai thác mạng di động Chunghwa Telecom đã có kế hoạch triển khai các dịch vụ 5G thương mại trong quý 3 năm nay, bất chấp tác động của dịch bệnh. Trước đó, năm 2019, Chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch của 4 nhà khai thác mạng di động NTT, Docomo, KDDI, SoftBank để xây dựng mạng 5G, với mức đầu tư lên tới 1.600 tỷ yên (14,4 tỷ USD) trong 5 năm tới.
Hào hứng và… chờ đợi
Sau khi thử nghiệm thành công 5G, phía VNPT cho biết mạng VinaPhone 5G sẽ không dừng lại ở việc cung cấp dữ liệu siêu tốc độ, mà còn đem đến hệ sinh thái số cho người dùng và các nền tảng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, góp phần khẳng định vai trò đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc xây dựng chính phủ điện tử Việt Nam và thể hiện vai trò tiên phong trong cung cấp các dịch vụ di động thế hệ mới tại Việt Nam.
Sự hào hứng của MobiFone cũng không kém sau khi công bố thử nghiệm thành công 5G. Đại diện Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cho hay: “Với sự kiện thử nghiệm thành công mạng 5G, MobiFone một lần nữa chứng tỏ quyết tâm và năng lực gia nhập sân chơi công nghệ tầm cỡ, không phải chỉ ở Việt Nam mà là khu vực và toàn thế giới”.
Song, với câu hỏi kế hoạch thương mại cho 5G là thời điểm nào, thì 2 nhà mạng nói trên chỉ có thể nói là sẽ tiếp tục thử nghiệm và tìm hướng đầu tư thích hợp nhất, còn cụ thể thế nào phải chờ thêm thời gian nữa.
Viettel cũng đã bày tỏ rất nhiều kỳ vọng khi công bố thử nghiệm thành công 5G và đáng chú ý, tập đoàn này đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12-2019). Phía Viettel cho hay, Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này; việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong triển khai 5G cho mạng di dộng của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm.
Theo kế hoạch, vào tháng 6-2020 Viettel sẽ triển khai thử nghiệm thương mại hóa giai đoạn 1 đối với trạm 5G Microcell. Còn hiện tại, kế hoạch thương mại hóa 5G cũng chỉ mới là bước đầu, vì vậy người dùng, cũng như việc ứng dụng 5G cho đô thị thông minh, chắc… phải còn chờ đợi thêm một thời gian nữa.