Rất nhiều hãng tin trên thế giới nhận định quyết định đưa NDT của Trung Quốc vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhiều khả năng sẽ được đưa ra nhân cuộc họp Hội đồng quản trị đại diện 188 thành viên IMF trong tháng 11 này. Hãng tin Bloomberg còn cho biết các chuyên gia Trung Quốc tự tin đến mức bắt đầu soạn thảo thông cáo loan báo tin vui khi IMF chính thức công bố.
Rổ tiền tệ do IMF quản lý dưới tên gọi “Quyền rút vốn hay quyền trích xuất đặc biệt”, hiện có giá trị gần 300 tỷ USD - gồm USD, EUR, bảng Anh và yên Nhật. Trong đó, đồng USD chiếm 41,9%, EUR 37,4%, yên 9% và bảng Anh 12%.
Vào tháng 3-2011, tại cuộc họp Nhóm các nước phát triển và những nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới (G20) ở Nam Kinh, Trung Quốc, các bên đã thảo luận về khả năng cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế. Pháp khi đó đã đề nghị IMF mở rộng quyền trích xuất đặc biệt đến đồng NDT.
Washington không hưởng ứng sáng kiến của Paris, trong khi Bắc Kinh cũng không mấy mặn mà bởi biết rằng sẽ phải mạnh dạn tiến hành cải tổ để đạt được những tiêu chuẩn của IMF. Tuy nhiên 4 năm qua, Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia, đặc biệt qua giao dịch hối đoái hoán đổi với nhiều đối tác thương mại châu Á và gần nhất với Anh.
Từ 2011 tới nay, Trung Quốc đã thay đổi thế hệ lãnh đạo mới với những mục tiêu, tham vọng và tầm nhìn mới về vị trí quốc gia và đồng NDT trên sân khấu chính trị, kinh tế và tài chính thế giới. Nhờ sức nặng kinh tế và lượng xuất cảng trong luồng giao dịch quốc tế, NDT đã được các nước dùng nhiều hơn để thanh toán mua bán.
Trong tháng 8-2015, NDT chiếm 2,79% trong tổng giao dịch của thế giới và lần đầu tiên vượt qua yên (2,76%). Mặc dù NDT đã được sử dụng nhiều hơn nhưng vẫn chưa thông dụng bằng 4 đồng tiền trong rổ tiền tệ IMF. Hay nói cách khác NDT có chiều hướng đi lên nhưng chưa tới mức tự do như nhiều đồng tiền trong rổ tiền của IMF. Điều này vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn “tự do sử dụng” để vào rổ tiền tệ.
Chính vì vậy, từ tháng 9-2015, Bắc Kinh ra sức chứng minh sẽ cho các ngân hàng trung ương các quốc gia được tự do mua bán đồng tiền này.
![]() |
Kế hoạch trở thành đồng tiền số 1 thế giới của Trung Quốc có thành hiện thực? |
Câu hỏi được nhiều người quan tâm nếu NDT được gia nhập rổ tiền của IMF sẽ tác động kinh tế, tài chính và chính trị thế nào? Và trật tự tiền tệ của thế giới có thay đổi không? Nhiều người lạc quan cho rằng dự trữ tài sản trên thế giới dưới dạng NDT có thể lên tới cả ngàn tỷ USD.
Có thể Anh cũng dự đoán như vậy nên đã trải thảm đỏ đón Chủ tịch Tập Cận Bình, với hy vọng London sẽ thành một trung tâm giao dịch NDT tại châu Âu. Bắc Kinh đang làm mọi cách để vào được rổ tiền tệ IMF và nâng dần giá trị thành ngoại tệ dự trữ trong 10 năm tới phế truất sự thống trị của đồng USD.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định từ kế hoạch đến thực tế còn một khoảng cách khá xa. Hoa Kỳ đã vượt Anh để dẫn đầu kinh tế thế giới từ cuối thế kỷ 19 nhưng nửa thế kỷ sau, đồng USD mới trở thành ngoại tệ dự trữ phổ biến sau Thế chiến II.
Trung Quốc chưa có khả năng đó. Khi IMF cho NDT vào rổ tiền tệ đồng nghĩa với việc trong vòng 1 năm nữa, Bắc Kinh phải giải phóng chế độ hối đoái hay ngoại hối, thả nổi đồng tiền và bãi bỏ chế độ kiểm soát tư bản để tiền được tự do lưu thông khỏi lãnh thổ.
Trong hiện tại, với nền kinh tế trì trệ và 6 lần hạ lãi suất liên tục, Trung Quốc đang bị nạn chuyển tiền ra ngoài hay nói nôm na tẩu tán tài sản. Khi NDT là ngoại tệ danh giá, việc giải phóng hối đoái sẽ gây họa cho kinh tế Trung Quốc và làm đồng NDT sụt giá mạnh hơn.
(Tổng hợp)