PHÓNG VIÊN: - Kinh tế Việt Nam năm 2018 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây (GDP tăng 7,08%), tuy nhiên TTCK giảm tốc. Theo ông TTCK có đi lạc nhịp phát triển kinh tế không?
Ông TRẦN VĂN DŨNG: - Tôi cho rằng không lạc nhịp, vì thông thường trong phát triển chung, phản ứng của TTCK đi trước so với nền kinh tế. Trên bình diện quốc tế, nếu như xét các chỉ tiêu kinh tế chung, năm 2018 là năm thành công của kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, kinh tế châu Âu đang ổn.
Tuy nhiên, chúng ta thấy cũng có những điểm đáng lưu ý, đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất 4 lần. Việc tăng lãi suất sẽ làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng về dài hạn, vì thế giá cả sẽ tăng, dẫn đến kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và Mỹ nói riêng, ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư. Năm 2019, FED có thể tăng lãi suất 2 lần để nâng mặt bằng lãi suất điều hành lên 3%.
Kinh tế Mỹ xét các chỉ tiêu tăng trưởng, việc làm, hợp đồng đều tốt và các chỉ số chứng khoán Mỹ đầu năm tốt, nhưng cuối năm có sự sụt giảm khá mạnh và giảm nhiều ngày liên tục sau khi FED tăng lãi suất lần 4. TTCK Mỹ phải chăng cũng đang phản ứng ngược chiều?
6 tháng đầu năm 2018, vốn nước ngoài vào Trung Quốc 29 tỷ USD, nhưng từ khi FED tăng lãi suất lần 3, dòng vốn rút ra khá mạnh. Trước khi FED tăng lãi suất lần thứ 4, dòng vốn nước ngoài rút khỏi Trung Quốc 27-28 tỷ USD. Thế nhưng, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam cũng đang đi ngược xu thế, khi mà năm 2018 vào ròng 2,8 tỷ USD (năm 2017 vào 2,9 tỷ USD).
Thanh khoản trên TTCK cũng có những biến động, giảm nhẹ. Điều này cũng dễ hiểu vì FED tăng lãi suất, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, các nhà đầu tư có tâm lý đã đầu tư thì nắm giữ và không mua bán nữa.
Còn nhà đầu tư mới đang xem diễn biến thế nào, cân đối chi phí vì nguồn tiền huy động để đầu tư. Do vậy sự sụt giảm của chỉ số chứng khoán và thanh khoản thời kỳ đỉnh cao là diễn biến hợp lý và hoàn toàn bình thường, không đi lạc nhịp với kinh tế Việt Nam lẫn thế giới.
- Theo ông, năm 2019 TTCK Việt Nam sẽ ra sao?
- Xét các yếu tố nội tại, TTCK Việt Nam đứng trước cơ hội lớn mà từ trước đến nay chưa từng có. Trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, có 2 điểm nhấn là cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn đang ổn, vì thế Quốc hội, Chính phủ đặt chỉ tiêu lớn về tăng trưởng GDP 6,6-6,8%. Song nhiều nhà kinh tế đều nhận định có thể còn đạt được cao hơn.
Năm 2018, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chững lại. Chính phủ nhận thấy điều đó nên 2019 là năm quan trọng phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn khi mà nhiều chủ trương chính sách đã được ban hành để tháo gỡ.
Chính vì vậy, chúng ta có quyền kỳ vọng năm 2019 sẽ có một loạt doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa và lên sàn. Tôi nghĩ 2019 TTCK phát triển theo hướng bền vững, còn đột biến là khó. Trong đó các chỉ tiêu, đặc biệt về quy mô thị trường sẽ phát triển.
- Khối ngoại đang nhìn nhận TTCK Việt Nam ra sao, thưa ông?
- Hiện tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thuận lợi. Xét về cơ hội đầu tư trong khu vực châu Á và Đông Nam Á, cơ hội sinh lời của Việt Nam đang tốt. Trung Quốc là thị trường chịu ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh thương mại; thị trường Thái Lan, Singapore, Malaysia đã đi trước, ở mức độ nào đó đã bão hòa…
Trong khi đó, Việt Nam có những lợi thế đất đai, tài nguyên, nhân lực. Các ngành như du lịch, công nghệ cao đều có lợi thế so sánh. Đó là điểm khiến đầu tư trực tiếp và gián tiếp vẫn đổ vào Việt Nam. Hiện nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành với giá trị khoảng 33 tỷ USD. Giao dịch của khối này đầu năm chiếm 13-14%, cuối năm 2018 chỉ còn giao dịch khoảng 10%.
Điều đó có nghĩa nhà đầu tư ngoại có xu hướng mua và nắm giữ dài hạn hơn so với nhà đầu tư trong nước. Năm 2018, tiền mặt của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trong các thời điểm tháng 5, 6 trên 1 tỷ USD - cao hơn so với mặt bằng trước đây chỉ khoảng vài trăm triệu USD. Thực tế này cũng chỉ ra nhà đầu tư ngoại đang chờ cơ hội đầu tư.
- Những ưu tiên nào sẽ được UBCKNN tập trung trong năm 2019?
- Ưu tiên số một với chúng tôi là xây dựng, hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi. Tư tưởng sửa Luật Chứng khoán là tăng chất lượng hàng hóa, quản trị doanh nghiệp niêm yết; tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn; bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhỏ…
Cùng với đó là chuẩn bị điều kiện thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; cơ cấu lại hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng tăng chất lượng hoạt động.
Năm 2019, UBCKNN cũng ưu tiên xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm mới cho thị trường. Trong đó, “trả nợ” 2 sản phẩm chứng quyền có bảo đảm và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (dự kiến thực hiện trong năm 2018) với thời gian cố gắng đưa vào vận hành quý I, II-2019. Ngoài ra, quý IV-2019, sẽ thêm 1 sản phẩm là hợp đồng tương lai trên chỉ số mới tại HNX.
- Theo ông, đâu là những yếu tố gây rủi ro nhất đối với TTCK năm 2019?
- Việc FED tăng lãi suất sẽ gây tác động mạnh nhất, vì ảnh hưởng không chỉ “ngày một, ngày hai” mà sẽ kéo dài dai dẳng.
Yếu tố rủi ro thứ hai là chiến tranh thương mại sẽ làm thương mại thế giới đảo lộn. Tuy nhiên, giao thương hạn chế cũng có thể tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam khi hàng Trung Quốc gặp khó khăn.
- Xin cảm ơn ông.
TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế. Có lúc lên và lên thái quá, có lúc xuống cũng thái quá. Điều quan trọng nhất trong bối cảnh đó là thông tin. Nếu giữ được thông tin công khai, minh bạch, có chính sách tốt về phát triển kinh tế nói chung, cho khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, tác động tiêu cực bên ngoài lên TTCK Việt Nam sẽ giảm thiểu. |