Chủ trương tính thuế tiêu thụ đặc biệt khi mua, bán vàng đang vấp phải phản ứng của dư luận...
Để quản lý thị trường vàng, thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chính sách. Tuy nhiên, theo nhiều người dân và các chuyên gia kinh tế thì các chính sách và cách điều hành, quản lý của các cơ quan chức năng chưa theo sát sự vận động của quy luật thị trường nên trong thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xem xét một chính sách mới liên quan đến vàng, đó là tính thuế tiêu thụ đặc biệt khi mua, bán vàng nhằm quản lý thị trường vàng. Vậy liệu điều đó có hiệu quả hay không?
Ngay khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước đang đề nghị Bộ Tài chính tính thuế tiêu thụ đặc biệt khi mua, bán vàng, nhiều người dân TPHCM cũng như chủ các tiệm vàng ở đây cho rằng: điều này là không phù hợp. Vì vàng không phải là hàng xa xỉ như rượu, bia hay thuốc lá...
Tính thuế vàng là đánh vào túi tiền tích cóp của dân. Bởi hiện nay, người lao động có thói quen dành dụm được ít tiền mới mua được 1-2 chỉ vàng làm của để dành, nếu phải đóng thuế thì không hợp lý.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chủ trương chống “vàng hóa” của Ngân hàng nhà nước là đúng. Tuy nhiên, nhu cầu mua vàng để bảo tồn đồng vốn trong thời điểm lạm phát của người dân cũng là nhu cầu chính đáng.
Để thực hiện được chủ trương chống “vàng hóa”, hạn chế người dân mua vàng cất giữ, huy động được nguồn vốn này vào sản xuất thì nhà nước phải tạo ra các kênh đầu tư hấp dẫn cho người dân, chứ không có nghĩa áp đặt người dân bằng những biện pháp hành chính, chính sách thuế hay hạn chế người dân gửi tiết kiệm bằng vàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói: “Trong nền kinh tế đang tồn đọng 1 nguồn vàng rất lớn nếu Ngân hàng Nhà nước loại vàng ra khỏi lưu thông tiền tệ thì coi như thì từ bỏ nguồn vốn rất lớn này. Giải quyết vấn đề là tạo ra 1 thị trường mà tại đó vàng được mua bán như đầu tư. Chúng ta điều tiết nền kinh tế theo thị trường chứ không phải là biện pháp hành chính”.
Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã loay hoay với nhiều chính sách để quản lý thị trường vàng nhưng thực tế đã phát sinh nhiều điều trái với sự mong đợi. Chẳng hạn như, khi nhà nước độc quyền thương hiệu vàng SJC thì trên thị trường xuất hiện vàng nhái thương hiệu SJC. Rồi đến quy định điều kiện để được kinh doanh vàng miếng là tiệm vàng phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên và 2 năm liền nộp thuế 500 triệu đồng thì mới được kinh doanh vàng miếng.
Với quy định này, các tiệm vàng vẫn có cách lách luật bằng cách bổ sung ngành nghề kinh doanh thêm chức năng cầm đồ, trong đó có cầm vàng miếng. Hay mới đây ứng phó với độc quyền vàng miếng, nhiều công ty vàng bạc đã cho ra sản phẩm vàng nhẫn bốn số 9 được chuẩn hóa như vàng miếng.
Theo các chuyên gia kinh tế nếu vàng nhẫn chuẩn hóa được thị trường tích cực đón nhận thì có nguy cơ làm hỏng mục tiêu độc quyền sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.
Chính vì vậy, nhiều người cho rằng Bộ Tài chính nên cân nhắc kỹ việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng. Vì trên thế giới, những nước người dân mua vàng nhiều như Trung Quốc và Ấn Độ cũng không tính thuế vàng. Đặc biệt, Trung Quốc có thời điểm họ còn khuyến khích người nhân mua vàng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học mở TP.HCM cho rằng: “Người dân mua bán vàng trong khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệnh như hiện nay đã mất một một khoản tiền, nếu đánh thuế vàng họ lại mất thêm khoản nữa. Như vậy đồng tiền Việt Nam mất giá, người có tiền nhiều sẽ chuyển qua đô la hoặc chuyển qua nước ngoài để bảo toàn vốn. Đây là bài toán kiểm soát?”.
Tính thuế tiêu thụ đặc biệt khi mua, bán vàng hay không sẽ do cơ quan chức năng xem xét. Tuy nhiên, một chủ trương hợp với thực tế cuộc sống và quy luật của thị trường thì mới phát huy được tính tích cực. Còn ngược lại, mang tính chất hành chính, áp đặt thì sẽ xảy ra những biến tướng khác và thị trường vàng thời gian qua đã trả lời điều đó. Vả lại, việc mua vàng tích cóp là thói quen lâu đời của người dân cũng rất khó thay đổi.