Cổ phần hóa sẽ thực chất hơn

(ĐTTCO) - Bộ Tài chính cho biết từ năm 2017 trở đi cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ tập trung vào yếu tố chất lượng. Tới đây, Chính phủ ban hành một nghị định mới về CPH nhằm gỡ những vướng mắc trong cơ chế bán, thoái vốn nhà nước nhằm kích thích tiến trình đi vào thực chất hơn.

(ĐTTCO) - Bộ Tài chính cho biết từ năm 2017 trở đi cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ tập trung vào yếu tố chất lượng. Tới đây, Chính phủ ban hành một nghị định mới về CPH nhằm gỡ những vướng mắc trong cơ chế bán, thoái vốn nhà nước nhằm kích thích tiến trình đi vào thực chất hơn.

Theo số liệu của Cục Tài chính DN, tính đến tháng 11-2016 đã có 56 DN được phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị thực tế đạt 34.017 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước 24.390 tỷ đồng. Theo phương án CPH đã được phê duyệt, vốn điều lệ của 56 đơn vị này hơn 24.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ gần 12.000 tỷ đồng. Con số 56 DN CPH trong năm 2016 không nhiều so với năm khởi đầu của giai đoạn 2011-2015, nhưng đã xuất hiện những yếu tố tích cực. Chẳng hạn, trước đây, tiến trình CPH Tập đoàn Cao su với 24 đầu mối phải mất 2-3 năm, nay chỉ cần khoảng 8 tháng.

Cũng trong 11 tháng, các đơn vị thoái vốn được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản và quỹ đầu tư) 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng. Giá trị thu về thấp hơn giá trị đầu tư do Tổng Công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ (Bình Dương) nhưng chỉ thu về được 18,3 tỷ đồng.

Tiến trình CPH cũng cho thấy việc đổi mới phương thức quản lý còn chưa rõ ràng, thể hiện ở tỷ lệ cổ phần nhà nước còn nắm giữ lớn ở nhiều DN. Tiến độ CPH và thoái vốn năm 2016 chưa đạt được như kỳ vọng do 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, do trong năm qua các đơn vị phải tiếp tục CPH chưa hoàn thành theo kế hoạch của giai đoạn 2011-2015, đồng thời xây dựng kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ. Thứ hai, do đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Tuy vậy, tiến trình CPH chậm chạp còn do nhiều vướng mắc đáng kể khác. Thí dụ, không ít DN quy mô vốn lớn nhưng làm ăn thua lỗ nên không hấp dẫn nhà đầu tư mua cổ phần. Việc thoái vốn hoàn toàn tại một số lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối chưa thực sự quyết liệt, khiến nhà đầu tư không thật sự hào hứng do lo ngại sẽ không có nhiều tiếng nói tại DN sau CPH. Đó là chưa kể đến các trở ngại mang tính kỹ thuật trong việc xác định giá trị DN.

Vớn những bất cập trên, từ năm 2017 CPH sẽ tập trung vào chất lượng, thay vì chạy theo số lượng như trước. Theo đó, DNNN phải có cơ cấu hợp lý hơn, chỉ tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; quốc phòng - an ninh; lĩnh vực các thành phần DN khác không đầu tư. Sau CPH, các DN phải hoạt động hiệu quả hơn, phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng tính công khai, minh bạch; đặc biệt sẽ phạt nặng các DN không niêm yết sau CPH.

Để đáp ứng yêu cầu CPH trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định 116/2015/NĐ-CP với nhiều điều chỉnh theo hướng ngày càng mở hơn cho tiến trình này. Đáng chú ý, chi phí CPH được sửa đổi theo hướng giao cơ quan chủ sở hữu quyết định thay vì khống chế mức chi như cũ.

Như vậy sẽ tránh được tình huống DN “viện cớ” không đủ tiền thuê đơn vị tư vấn tốt. Đồng thời, mở ra cánh cửa cho các tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia cung cấp các dịch vụ liên quan đến CPH. Về đất đai, dự thảo Nghị định yêu cầu DN CPH phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và hoàn thành trước thời điểm xác định giá trị DN. Khi đó, diện tích đất DN sử dụng chưa đúng mục đích, chưa phù hợp với quy hoạch và ngành nghề kinh doanh sẽ được các địa phương xem xét, quyết định để thu hồi.

DN CPH chỉ được giao đất theo quy định của Luật Đất đai để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán, xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê. Đối với các lô đất DN được phê duyệt tiếp tục sử dụng sau CPH, việc xác định giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai 2013. Căn cứ giá đất do UBND tỉnh, thành phố công bố, DN có trách nhiệm tính vào giá trị DN và nộp ngân sách về đất đai…

Với những quy định mới trên, kỳ vọng tiến trình CPH trong năm 2017 và các năm tới sẽ góp phần quan trọng trong việc đổi mới sắp xếp DN, hình thành các DN có nhiều chủ sở hữu, tạo ra động lực để phát triển và nâng cao hiệu quả DN và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Các tin khác