Cổ phiếu dầu khí khó bứt phá

(ĐTTCO) - Ngành dầu khí đã phải đối mặt với nhiều thách thức, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như giá CP trên TTCK trong năm 2018. Liệu với việc giá dầu bắt đầu hồi phục có là động lực để các công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực hơn trong năm 2019?
Thay đổi trật tự an ninh năng lượng
Thị trường dầu mỏ thế giới 2018 đã trải qua một năm đầy biến động, kể từ khi cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014 diễn ra. Mặc dù giá dầu thế giới đã có năm bản lề 2017 khá thành công, và xu hướng tăng vẫn tiếp tục được thị trường giữ vững trong 3 quý đầu năm 2018, nhưng chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm, giá dầu lao dốc đã thổi bay mọi nỗ lực hồi phục trước đó.
Nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc trong những tháng cuối năm 2018 bắt nguồn từ quyết định tăng sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
 Nhu cầu dầu thế giới năm 2019 dự báo dao động trong mức 101-102 triệu thùng/ngày. Giá dầu có thể thấp hơn trung bình 72USD/thùng năm 2018, nhưng vẫn ở mức cao để các dự án dầu khí lớn có thể tiếp tục triển khai. 
Ông Trần Hà Xuân Vũ, CTCK Rồng Việt
Có thể nói, biến động của giá dầu trong những năm gần đây xuất phát từ sự thay đổi trong trật tự thế giới về an ninh năng lượng. Trật tự thế giới mới trong nguồn cung dầu mỏ được xác lập sau cuộc chiến nguồn cung những năm 2014-2015. Khi đó, Mỹ vươn lên trở thành 1 trong 3 nước dẫn đầu sản lượng khai thác dầu thô trên thị trường, nhờ vào công nghệ khai thác dầu đá phiến duy nhất trên thế giới.
Để gia tăng vị thế trên thị trường dầu thô thế giới, Mỹ đã liên tục gây áp lực kinh tế lên các nước khối OPEC, đặc biệt các quốc gia đang trong tình trạng bất ổn chính trị hoặc có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Sự phản kháng đến từ các nước khối OPEC, đặc biệt tại Arab Saudi, là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô thế giới cuối năm 2018.
Hiện tại, dù với sản lượng dầu thô khai thác của Mỹ đã có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong nước và một phần để xuất khẩu, nhưng quốc gia này vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn dầu Brent từ nước ngoài. Nguyên nhân do hầu hết các nhà máy lọc hóa dầu tại Mỹ vẫn đang hoạt động với công nghệ cho lọc dầu đá phiến.
Do đó, nếu xét trên lợi ích kinh tế tổng thể của quốc gia, dựa vào cán cân xuất - nhập khẩu dầu thô ngày càng thặng dư sẽ giúp nền kinh tế số 1 thế giới ít chịu ảnh hưởng khi giá dầu thay đổi, đặc biệt khi giá dầu xuống thấp.
Tuy nhiên, nếu xét trên lợi ích kinh tế của khu vực tư nhân hoạt động trong chuỗi giá trị dầu khí, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc khai thác thượng nguồn dầu đá phiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu giá dầu ở mức thấp. 
Cổ phiếu dầu khí khó bứt phá ảnh 1 Giới đầu tư khó có thể kỳ vọng sự bứt phá về lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí trong năm 2019. 
Đối trọng với Mỹ là các nước trong khối OPEC có nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn hơn đến từ sự biến động của giá dầu. Tuy nhiên, những quốc gia trong khối OPEC đang dần cải thiện tình hình kinh tế cũng như chính trị bằng nhiều biện pháp khác nhau như da đạng nguồn thu quốc gia nhằm giảm phụ thuộc vào việc xuất khẩu dầu mỏ, hay thực hiện mở rộng quan hệ song phương và đa phương nhằm gia tăng tính linh hoạt trong xuất khẩu dầu mỏ. 
Bức tranh 2019
Từ những phân tích trên, các chuyên gia có chung nhận định giá dầu thô thế giới trong năm 2019 sẽ tiếp tục giữ xu hướng tăng nhẹ và dự báo giữ ở mức trung bình 70USD/thùng. Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK Vietcombank (VCBS), ngành dầu khí trong năm 2019 về cơ bản sẽ không quá triển vọng hơn so với năm 2018.
Triển vọng từ ngành tác động lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ không dàn trải và đồng đều lên toàn ngành. Thay vào đó, các doanh nghiệp có những triển vọng riêng tùy vào dự án cũng như quy mô và phân khúc hoạt động. Đặc biệt ở phân khúc thượng nguồn, khối lượng công việc sẽ gia tăng, mặc dù giá dịch vụ vẫn tiếp tục ở mức thấp.
Thực tế cho thấy, thị trường dầu khí Việt Nam hiện tại đang nằm ở giai đoạn giá dầu trong xu hướng tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014. Theo thống kê, có 12 doanh nghiệp dầu khí đang niêm yết nhưng có đến 11 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm 2018.
Các doanh nghiệp này sau khi trải qua giai đoạn khó khăn do nhu cầu dịch vụ sụt giảm hậu khủng hoảng giá dầu, lại tiếp tục đối mặt với tình trạng cạnh tranh gay gắt trên thị trường cung cấp dịch vụ. Đây là nguyên nhân khiến thị trường sau khi đào thải đại bộ phận các doanh nghiệp thua lỗ dẫn tới một loạt doanh nghiệp mới thành lập trên nền các doanh nghiệp cũ do tình trạng cung dịch vụ nhỏ hơn cầu.
Các doanh nghiệp mới được đầu tư và thành lập với chi phí vốn nhỏ hơn so với các doanh nghiệp cũ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt về giá dịch vụ. Từ đó, giá dịch vụ dựa trên cung - cầu thị trường được cân bằng ở một mức thấp hơn so với nền giá dịch vụ trước đây trong trường hợp ngang bằng giá dầu.
Vì lý do này, giới đầu tư khó có thể kỳ vọng sự bứt phá về lợi nhuận của các doanh nghiệp dầu khí trong năm 2019. Thế nhưng, vẫn có vài doanh nghiệp duy trì được động lực tăng trưởng nhờ hưởng lợi từ các dự án lớn. Trong điều kiện các mỏ dầu khí hiện tại đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác, việc các dự án mới được triển khai là cần thiết và đảm bảo đầu vào cho các ngành công nghiệp điện khí, sản xuất đạm tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp dầu khí sẽ được hưởng lợi nhờ nguồn công việc đều đặn trong nhiều năm đến từ các dự án lớn như: Lô B, Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 2), Sư Tử Trắng (giai đoạn 2). Đặc biệt, lộ trình thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) có thể là động lực tăng giá cho các mã CP dầu khí.

Các tin khác