Với mảng kinh doanh chính là kem và sữa chua, KDF được hiện đang là đối thủ cạnh tranh của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) trên thương trường và nay là chứng trường.
Trước đó, KDF đã tiến hành bán 11,2 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ) với giá chào bán 52.000 đồng/CP. Đây là động thái nhằm giảm bớt tỷ lệ sở hữu tại KDF của CTCP Tập đoàn Kido (KDC) để từng bước đại chúng hóa công ty.
Bên cạnh đó, HĐQT của KDC đã thông qua việc chuyển nhượng gần 8,3 triệu CP (tương ứng 14,8% vốn của KDF). Trong đó, KDC sẽ chuyển nhượng theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) 5,6 triệu CP (tương đương 10%) với giá chào bán 25.000 đồng/CP và gần 2,7 triệu CP cho đối tác chiến lược với giá 40.000 đồng/CP.
Năm 2016, KDF đạt doanh thu thuần 1.397 tỷ đồng (tăng 31%), lợi nhuận ròng đạt 143 tỷ đồng (tăng 85%), tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 19,7%. Năm 2017, KDF lên kế hoạch đạt 1.824 tỷ đồng doanh thu, trong đó chủ yếu vẫn là mảng kem và sữa chua, trong khi mảng thực phẩm đông lạnh chưa đóng góp nhiều.
Theo thống kê, thị trường kem đang chịu áp lực cạnh tranh của các ông lớn là Vietnam Dairy Products (thuộc VNM), KDF, Unilever với các sản phẩm thuộc phân khúc trung bình. Trong khi đó, các thương hiệu kem nước ngoài như Cornetto, Paddle Pop, Haagen-Dazs và New Zealand Natural bắt đầu gia tăng đáng kể sự hiện diện của mình ở các thành phố lớn, nơi người tiêu dùng đang ưa chuộng những sản phẩm ở phân khúc cao cấp có chất lượng cao. Tuy nhiên, điểm hạn chế của các thương hiệu cao cấp là nhu cầu khách hàng thấp và hệ thống phân phối hạn chế.
Hiện KDF chưa công bố giá tham chiếu cho ngày chào sàn nhưng theo dự báo của giới phân tích, khả năng không thấp hơn 52.000 đồng/CP (giá bán IPO). So với mức giá hiện tại của VNM 149.000 đồng/CP, mức giá chào sàn của KDF được cho khá hấp dẫn.