Dow sụt 600 điểm trước nhận định của Fed
Khép phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 574,98 điểm, tương đương 1,72%, kết thúc ở mức 32.856,46. S&P 500 mất 1,53% còn 3.986,37, đóng cửa dưới mức 4.000. Trong khi Nasdaq sụt 1,25% xuống 11,530,33.
Khi các chỉ số chính giảm, lợi suất kho bạc 2 năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007 ở mức 5%. Đợt bán tháo trong ngày thứ Ba đã khiến chỉ số Dow rơi vào vùng tiêu cực trong năm 2023, giảm khoảng 0,9%. S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 3,8% và 10,2%.
“Dữ liệu kinh tế mới nhất đều mạnh hơn dự kiến và điều này cho thấy mức lãi suất cuối cùng có thể cao hơn dự đoán trước đây”, ông Powell cho biết trong bài phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Các vấn đề Đô thị Thượng viện Mỹ. “Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng việc tăng lãi suất nhanh hơn được đảm bảo, chúng tôi sẵng lòng tăng tốc độ nâng lãi suất.”
Các ý kiến chỉ ra rằng Fed có thể xem xét tăng lãi suất mạnh hơn so với mức 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 21- 22/3.
Họ cũng báo hiệu khả năng quay trở lại mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3 của Fed, tùy thuộc vào sức mạnh của dữ liệu kinh tế sắp tới, theo Morgan Stanley.
Những phát biểu của ông Powell, cũng có nghĩa là mức lãi suất đỉnh có khả năng cao hơn dự kiến trước đó, mặc dù nhà đầu tư hy vọng rằng Fed có thể ngừng chính sách sớm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã dẫn đầu đà giảm khi các nhà đầu tư sợ tăng lãi suất nhiều hơn sẽ khiến nền kinh tế trở nên suy thoái. Cổ phiếu của Wells Fargo mất 4,7%. Trong khi, cổ phiếu của Bank of America, Goldman Sachs và JPMorgan Chase đều “bốc hơi” khoảng 3%. Các cổ phiếu công nghệ lớn cũng bị ảnh hưởng, với Apple, Alphabet và Microsoft giảm ít nhất 1%.
Các cổ phiếu của hãng hàng không đã vượt qua được xu hướng giảm trên thị trường chung sau khi Bộ Tư pháp kiện để ngăn chặn việc mua lại Spirit Airlines của JetBlue. Cổ phiếu của United Airlines tăng 3%. Cổ phiếu của Delta và American tăng lần lượt 1,6% và 1,5%.
Dầu giảm khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho các đợt tăng lãi suất mạnh hơn của Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent kỳ hạn giảm 2,89 USD, tương đương 3,4%, chốt ở mức 83,29 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Hoa Kỳ kỳ hạn rớt 2,88 USD, tương đương 3,6%, đóng cửa ở mức 77,58 USD/thùng. Đây là phiên giảm lớn nhất đối với cả hai hợp đồng kể từ ngày 04/01
Ông Powell nói với Quốc hội rằng Fed có thể sẽ cần tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây, đẩy hầu hết các loại hàng hóa và thị trường tài chính chìm trong sắc đỏ.
Nhận xét này đã thúc đẩy đồng đô la Mỹ, tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong ba tháng, gây áp lực lên giá dầu được định giá bằng đô la, khiến nó trở nên đắt hơn đối với người mua thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.
Thêm áp lực đến từ sự suy giảm trong xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2, bao gồm cả nhập khẩu dầu thô, bất chấp việc dỡ bỏ các hạn chế do COVID-19.
Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của ING tại Greater China, cho biết: “Do lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu, nhu cầu từ đó sẽ tiếp tục suy yếu, điều này cũng làm giảm nhu cầu gia công ở Trung Quốc.”
Dù vậy, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi các dự báo về nguồn cung khan hiếm hơn và nhu cầu cao hơn.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của mình rằng sản lượng và nhu cầu dầu thô của Hoa Kỳ sẽ tăng vào năm 2023 khi du lịch Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng.
Giám đốc điều hành Chevron, Mike Wirth phát biểu tại một hội nghị ở Houston rằng thị trường toàn cầu dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung bất ngờ nào.