Cổ phiếu ngân hàng dậy sóng

(ĐTTCO) - Sau thời gian lặng sóng, nhóm CP ngân hàng bất ngờ dậy sóng và trở thành “đầu tàu” dẫn dắt thị trường trong những phiên giao dịch gần đây. Đây có thể xem là kết quả của nỗ lực tái cơ cấu các ngân hàng sau sự cố bùng phát nợ xấu của NHNN.
“Pháo lệnh” HDB
Mở màn cho đợt sóng ngân hàng chính là phiên chào sàn ấn tượng của 981 triệu CP HDB (HDBank) trong phiên giao dịch ngày 5-1. Trong phiên này, HDB đã tăng hết biên độ 20%, từ 33.000 đồng/CP lên mức 39.600 đồng/CP. Cũng trong phiên giao dịch này, lượng CP HDB giao dịch thành công đột biến với hơn 32 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các phiên giao dịch kế tiếp, thanh khoản của HDB luôn đứng ở top đầu của thị trường với 18,6 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên ngày 8-1 và gần 10 triệu đơn vị trong phiên ngày 9-1. Không chỉ thu hút được sự chú ý của NĐT nội, HDB còn là tâm điểm của khối ngoại. Theo thống kê, chỉ trong 2 phiên giao dịch ngày 8 và 9-1, NĐTNN đã mua ròng gần 19 triệu CP HDB với tổng giá trị đạt 700 tỷ đồng.
 Năm 2018 được dự báo sẽ có làn sóng ngân hàng đưa CP lên giao dịch trên TTCK. Theo kế hoạch, ngay sau HDBank sẽ là Techcombank và OCB.

Phiên chào sàn thành công của HDB đã tạo ra hiệu ứng tích cực đối với các mã CP ngân hàng còn lại. Trong phiên giao dịch ngày 8-1, nhóm CP ngân hàng gồm BID (BIDV), CTG (Vietinbank), VCB (Vietcombank), ACB, MBB (MBBank), KLB (Kienlongbank), VPB (VPBank), LPB (LienVietPostBank) đồng loạt dậy sóng.
Thậm chí, 2 mã STB (Sacombank) và EIB (Eximbank) bất ngờ tăng kịch trần lên mức 14.550 đồng/CP và 13.800 đồng/CP. Đáng chú ý SHB sau thời gian dài giao dịch dưới mệnh giá đã chính thức vượt mốc 10.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 8-1. Đà tăng của nhóm CP ngân hàng cũng đã góp phần đẩy VN Index đi lên và trụ vững trên mốc 1.000 điểm, bất chấp áp lực chốt lời mạnh của thị trường sau loạt phiên tăng nóng trước đó.  
Cổ phiếu ngân hàng dậy sóng ảnh 1 Khách hàng giao dịch tại HDBank. 
Hiệu quả sau nỗ lực tái cơ cấu
Lý giải về đợt sóng CP ngân hàng, giới đầu tư cho rằng đây là kết quả của những nỗ lực tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo hướng giảm tỷ lệ nợ xấu. Theo báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên trên 40%, tổng tài sản hệ thống ước tăng 17,2% so với cuối năm 2016, thanh khoản dồi dào, lãi suất cho vay và huy động giữ mức ổn định.
Đặc biệt, vấn đề nợ xấu đã có hướng xử lý theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về việc thí điểm xử lý nợ xấu, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động mua bán và xử lý nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đặc biệt, Nghị quyết 42 cho phép các ngân hàng và VAMC có quyền thu giữ tài sản đảm bảo, đồng thời yêu cầu các cơ quan nhà nước địa phương hỗ trợ, giúp rút ngắn quá trình xử lý và thi hành án liên quan đến nợ tín dụng và ngân hàng.
Ngay sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là dự án Sài Gòn One Tower liên quan đến khoản nợ có tổng dư nợ gốc và lãi lên đến 7.000 tỷ đồng. Quá trình thu giữ tài sản này diễn ra thuận lợi với sự phối hợp hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng, cho thấy việc triển khai hiệu quả của Nghị quyết 42.
Có thể lấy dẫn chứng từ Sacombank, tính đến hết năm 2017, ngân hàng này đã xử lý được 19.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT, để có được kết quả này, Sacombank đã phải áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng.
Cụ thể, Sacombank đã thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỷ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỷ đồng; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỷ đồng. Chỉ riêng việc tổ chức bán đấu giá công khai 3 tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III (Long An) với giá khởi điểm hơn 9.000 tỷ đồng vào giữa tháng 12-2017, đã đóng góp tỷ lệ không nhỏ cho kết quả xử lý nợ xấu của Sacombank. Trước đó, Sacombank và VAMC đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của Sacombank đã bán cho VAMC trên cơ sở các quy định tại Nghị quyết 42. 
Nỗ lực tái cơ cấu cũng đã góp phần tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ cho HDBank trong năm vừa qua. Theo ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank, năm 2017 đạt lợi nhuận trước thuế 2.420 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần con số của năm 2016 và là năm đạt kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất (bao gồm cả Công ty Tài chính HD Saison) giảm chỉ còn 1,5%, song nếu tính riêng ngân hàng mẹ chỉ là 1,1% trên tổng dư nợ. Sau thành công của năm 2017, HDBank đặt kế hoạch sẽ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 37% mỗi năm từ nay đến năm 2021, và hướng đến là ngân hàng top đầu trong hệ thống, thay vì vị trí thứ 8 như hiện nay. 
Một trong những yếu tố thu hút dòng vốn ngoại HDBank chính là chính sách chi trả cổ tức hấp dẫn. Trước đây, dù lĩnh vực ngành có nhiều biến động, các ngân hàng phải giữ lại cổ tức nhằm củng cố năng lực tài chính và xử lý nợ xấu, thì HDBank vẫn chi trả cổ tức cho cổ đông hàng năm với tỷ lệ từ 5-9%/năm. Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2017, ngân hàng này dự kiến sẽ chi trả cổ tức và CP thưởng lên đến 30%.

Các tin khác