Cổ phiếu ngành nào hưởng lời từ xung đột

(ĐTTCO) - Xung đột Nga - Ukraine tưởng chừng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các sự kiện như vậy thông thường sẽ tác động về mặt tâm lý trong ngắn hạn, nhưng lại mở ra cơ hội cho nhiều nhóm ngành được hưởng lợi.

Thép là một trong những ngành hưởng lợi khi có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào EU.
Thép là một trong những ngành hưởng lợi khi có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào EU.
Tác động tâm lý trong ngắn hạn
Ngay từ tuần cuối cùng của tháng 2, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã liên tục tăng nóng, đạt mức giá cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Diễn biến này sẽ gián tiếp tác động tới giá cả ở thị trường trong nước và tạo áp lực tăng lên chỉ số CPI. Trong rổ tính CPI chỉ có các nhóm hàng giao thông (bao gồm xăng dầu) và nhà ở và vật liệu xây dựng (bao gồm các loại nguyên vật liệu xây dựng) có liên quan tới chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm tổng tỷ trọng 25%; trong khi 75% còn lại của rổ tính CPI chủ yếu tập trung ở thị trường trong nước. Do đó, tình hình Nga - Ukraine sẽ có tác động gián tiếp lên CPI nhưng mức tác động có thể sẽ không quá lớn. Dù vậy, đây vẫn là yếu tố cần theo dõi sát sao trong thời gian tới.
Một trong những sự kiện được giới đầu tư quan tâm nhất là lệnh trừng phạt đối với kinh tế của Nga, khiến quốc gia này bị loại khỏi hệ thống SWIFT. Diễn biến này sẽ ảnh hưởng tới việc giao dịch ngân hàng của Nga với các quốc gia khác, có thể ảnh hưởng tới việc đầu tư ra nước ngoài của Nga. Đối với Việt Nam, lũy kế các dự án còn hiệu lực tới nay, Nga đứng thứ 24 trong số các quốc gia có vốn đầu tư đăng ký trực tiếp (FDI) tại Việt Nam, nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 0,23%. Trong khi đó, trong các năm gần đây, lượng vốn FDI đăng ký (bao gồm đăng ký mới và tăng thêm) từ Nga vào Việt Nam đều ở mức không đáng kể (dưới 4 triệu USD/năm). Do đó, CTCK Bảo Việt (BVS) cũng đánh giá tình hình Nga - Ukraine không có tác động trực tiếp tới nguồn vốn FDI vào Việt Nam. 

Dầu khí hưởng lợi cả trong ngắn và dài hạn
Theo CTCK VN Direct (VND), dầu khí hưởng lợi cả ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, giá dầu Brent được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao do tác động tổng hợp đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu hiện nay và tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraine. Với mặt bằng giá dầu neo cao, VND đánh giá nhóm CP dầu khí không chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn, mà triển vọng dài hạn cũng sẽ được củng cố hơn, khi giá dầu cao sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành. 
Trước đó, CTCK BIDV (BSC) cũng đưa ra nhận định Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới, do đó sự gián đoạn trong các chuyến dầu từ Nga tới các đường ống ở châu Âu sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, những biện pháp sẽ chỉ là tạm thời, khó duy trì trong thời gian dài. Do đó, giá dầu sẽ khó có thể điều chỉnh giảm và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới, từ đó tác động khả quan lên nhóm ngành dầu khí.
Đối với nhóm thượng nguồn, BSC kỳ vọng các dự án thăm dò, khai thác sẽ sôi động trở lại nhờ nhu cầu khai thác tăng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan, kho nổi như PVS và PVD dự kiến có các hợp đồng mới với giá trị cao hơn. Đối với nhóm trung nguồn, nhu cầu vận tải dầu, năm 2022 dự kiến gia tăng khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hóa dầu hồi phục. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng hệ thống kho chứa. Trong khi đó, PVT hiện chiếm toàn bộ thị phần vận tải dầu thô và LNG trong nước, còn GAS đang đầu tư vào các dự án LNG Thị Vải (giai đoạn 2) và LNG Sơn Mỹ (giai đoạn 1) nhiều tiềm năng trong thời gian tới. 
Đối với nhóm hạ nguồn, BSC khuyến nghị khả quan đối với các mã PLX, OIL nhờ kỳ vọng sản lượng xăng dầu phục hồi cùng giá bán tăng và triển vọng thoái vốn tại PGBank. Tương tự, BSR được hưởng lợi nhờ chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô nguyên liệu tăng, giúp cải thiện lợi nhuận.

Thép có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào EU
Theo VND, nhóm ngành hưởng lợi kế tiếp là thép, với kỳ vọng các nhà xuất khẩu tôn mạ hàng đầu có cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ tại EU trong thời gian tới. Theo BSC, Nga đang xếp thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU. Nếu lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ hiện đang xuất nhiều sang thị trường này như NKG, HSG. Do đó, BSC có quan điểm khả quan đối với CP của các công ty xuất khẩu thép lớn. Tuy nhiên, cần lưu ý việc EU vẫn áp hạn ngạch nhập khẩu lên các quốc gia xuất khẩu vào đây, hiện Việt Nam đang chiếm tỷ trọng 2% nhập khẩu thép dẹt của khối này.

Phân bón hưởng lợi nhờ giá
Các doanh nghiệp phân bón cũng có khả năng hưởng lợi khi giá các loại phân bón tiếp tục neo cao. Nguyên nhân xuất phát từ động thái cấm xuất khẩu Amoni Nitrat của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, càng khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung thêm nghiêm trọng. 
Theo thống kê, Nga chiếm 13% tổng kim ngạch thương mại phân bón chính trên toàn cầu và gần 16% thương mại toàn cầu đối với các loại phân bón thành phẩm quan trọng. Do đó, các biện pháp trừng phạt do châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, dẫn đến tăng giá phân bón. 
Tại Việt Nam, giá phân bón bị ảnh hưởng bởi giá phân bón thế giới, giá tăng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp trong bối cảnh giá khí đầu vào tăng cao. BSC khuyến nghị khả quan đối với các mã DPM và DCM với kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phân bón tăng cùng giá bán tiếp tục duy trì ở mức cao.

Các tin khác