Cổ phiếu Nvidia dẫn đầu đà tăng của Nasdaq; Dầu giảm hơn 3,5%

(ĐTTCO) - Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng vọt vào thứ Năm (25/5) khi các nhà đầu tư vui mừng trước kết quả kinh doanh quý mới nhất của Nvidia, từ đó thúc đẩy đà phục hồi của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Cổ phiếu Nvidia dẫn đầu đà tăng của Nasdaq; Dầu giảm hơn 3,5%

Giá dầu giảm sau khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hạ triển vọng cắt giảm sản lượng bổ sung của OPEC+ tại cuộc họp vào tuần tới.

Nasdaq tăng vọt hơn 1,7%

Khép phiên, chỉ số Nasdaq tăng 1,71% lên 12.698,09, S&P 500 cộng 0,88% lên 4.151,28. Trong khi, chỉ số Dow Jones sụt 35,27 điểm, tương đương 0,11%, xuống 32.764,65 và đóng cửa dưới mức trung bình động 200 ngày.

Cổ phiếu của Nvidia đã tăng 24,4%, một ngày sau khi công ty công bố triển vọng doanh thu cao hơn dự kiến, đồng thời báo cáo doanh thu và lợi nhuận lạc quan trong quý gần đây. Nhu cầu bùng nổ đối với chip Nvidia được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo đã củng cố nhịp tăng trưởng hàng quý.

Một số nhà phân tích đã nâng mục tiêu giá cổ phiếu của Nvidia sau kết quả kinh doanh mạnh mẽ. Đà tăng mạnh của Nvidia đã đưa nhà sản xuất chip này tiến gần đến mức vốn hóa thị trường trị giá 1 nghìn tỷ đô la.

Các cổ phiếu bán dẫn khác và một số cổ phiếu về trí tuệ nhân tạo đã nối gót Nvidia. Cổ phiếu Advanced Micro Devices và Taiwan Semiconductor lần lượt tăng 11,1% và 12%. VanEck Semiconductor ETF tiến 8,6%, lên mức cao nhất trong năm; quỹ đã đạt mức đỉnh mới trong 52 tuần vào đầu phiên. Cổ phiếu Alphabet và Microsoft lần lượt tăng thêm 2,1% và 3,9%.

Bất chấp đà tăng của ngày thứ Năm, những lo ngại về độ rộng thị trường vẫn tồn tại. Keith Lerner, đồng giám đốc đầu tư của Truist, cho biết một số công ty và lĩnh vực nhất định đang thúc đẩy thị trường tăng cao hơn, che đậy một số vết nứt bên dưới bề mặt.

Mặt khác, các cuộc đàm phán để nâng trần nợ của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục, với thời hạn vỡ nợ nhanh chóng đến gần. Theo một báo cáo từ Reuters, các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo quốc hội và Tổng thống Joe Biden đã có tiến triển vào thứ Năm, cho biết cả hai bên chỉ cần thống nhất về khoản chi 70 tỷ đô la.

Sự bất định xung quanh các cuộc đàm phán đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán trong tuần này, với chỉ số Dow và S&P 500 trên đà giảm hàng tuần lần lượt khoảng 2% và 1%. Nasdaq tăng 0,3%.

Dầu giảm khi Nga hạ khả năng cắt giảm bổ sung của OPEC+

Kết phiên, dầu thô Brent hạ 3,6% xuống 75,55 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ lùi 3,95%, xuống còn 71,41 USD.

Nhật báo Izvestia dẫn lời ông Novak “Tôi không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ bước đi mới nào, bởi vì chỉ 1 tháng trước, một số quyết định đã được đưa ra liên quan đến việc một số quốc gia tự nguyện giảm sản lượng dầu.”

Trong phiên trước đó, giá dầu được hỗ trợ bởi lời cảnh báo từ bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia rằng những người bán khống đặt cược giá dầu sẽ giảm nên “coi chừng” tổn thất.

Một số nhà đầu tư coi đó là tín hiệu cho thấy OPEC+ có thể xem xét cắt giảm thêm sản lượng tại cuộc họp vào ngày 4/6.

Sự không chắc chắn về trần nợ của Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng đến giá dầu.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết hôm thứ Năm rằng “Có một số tiến triển nhưng một vài vấn đề vẫn chưa được giải quyết trong các cuộc đàm phán trần nợ của Hoa Kỳ, khi thời hạn chót để nâng giới hạn vay 31,4 nghìn tỷ đô la của chính phủ liên bang hoặc rủi ro vỡ nợ đã đến gần.”

Các nhà đàm phán của Tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã triệu tập lại vào thứ Tư tại Nhà Trắng để cố gắng đạt được một thỏa thuận.

Trong khi đó, đà giảm của giá dầu bị hạn chế bởi lượng dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm mạnh trong tuần kết thúc ngày 19/5 theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng hôm thứ Tư.

Cụ thể, dự trữ dầu thô của Mỹ sụt 12,5 triệu thùng xuống 455,2 triệu thùng do nhập khẩu giảm. Trái ngược hoàn toàn với dự đoán mức tăng 800.000 thùng từ các nhà phân tích.

Các tin khác