Đủ cơ sở áp thuế tự vệ
Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Quyết định 686/QĐ-BCT, áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP sau khi thuế tự vệ tạm thời được áp dụng kể từ ngày 19-8-2017 hết hạn ngày 6-3-2018. Theo đó, thuế tự vệ chính thức có hiệu lực từ ngày hôm qua (7-3) đến hết ngày 6-3-2019 là 1,12 triệu đồng/tấn và từ ngày 7-3-2019 đến hết ngày 6-3-2020 giảm còn 1,07 triệu đồng/tấn. Sau đó mức thuế tự vệ sẽ về 0 đồng/tấn (nếu không có gia hạn). Thời gian áp thuế tự vệ chính thức kéo dài trong vòng 2 năm.
Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam được áp thuế tự vệ trong thời gian 4 năm, nhưng Bộ Công Thương quyết định áp dụng trong thời gian 2 năm. So với kỳ vọng, thuế tự vệ chính thức thấp hơn 40% so với mức thuế tự vệ tạm thời áp dụng từ 19-8-2017 đến hết ngày 6-3-2018 (1,85 triệu đồng/tấn).
Doanh thu các doanh nghiệp phân bón có sự biến động theo quý. Theo đó, quý II và IV là những quý doanh thu của đa số các doanh nghiệp đều cao hơn so với 2 quý còn lại. Giai đoạn 2013-2016, do ảnh hưởng từ giá phân bón giảm, nên doanh thu hầu hết các doanh nghiệp phân bón đều giảm mạnh. |
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc hài hòa quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và lợi ích người nông dân, do năng lực sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được tối đa 52% nhu cầu, Bộ Công Thương đưa ra quyết định cuối cùng áp mức thuế tự vệ chính thức 1,12 triệu đồng/tấn (bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO). Cũng theo Quyết định 686/QĐ-BCT nói trên, khoản chênh lệch giữa thuế tự vệ chính thức và thuế tự vệ tạm thời (727.259 đồng/tấn) sẽ được hoàn trả lại cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Dây chuyền sản xuất phân bón DAP - Vinachem.
CP phân bón khởi sắc
Theo giới phân tích, quy định về thuế tự vệ nói trên sẽ tác động đến nhóm các doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP. Đơn cử CTCP DAP-Vinachem (DDV). Sau thời gian hoạt động không hiệu quả, DDV đã có những dấu hiệu tích cực từ nửa cuối năm 2017 sau khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm DAP từ 19-8-2017.
Chính sách thuế tự vệ của Bộ Công Thương cộng với giá phân bón thế giới tăng (bình quân tăng từ 6-18%), đã giúp cho DDV cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh. Kết thúc năm 2017, DDV ghi nhận lãi 15 tỷ đồng, trong khi cả năm 2016 doanh nghiệp này lỗ 470 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2018, DDV tiếp tục báo lãi 6,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, DDV cũng kỳ vọng xin được đổi cách áp thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế 0% và xin hoàn thuế VAT với hàng nhập khẩu. Nếu được thông qua, các chính sách này cũng sẽ mang lại cải thiện tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DDV. Đồng thời, theo đề án tái cơ cấu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lên kế hoạch thoái hết vốn sau khi DDV hết lỗ và sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Năm 2018, với việc áp thuế tự vệ chính thức và giá phân bón DAP thế giới tăng nhờ Trung Quốc (nước chiếm 46% sản lượng DAP toàn cầu) giảm sản xuất do các vấn đề về môi trường, dự báo DDV sẽ tiếp tục thăng hoa trong năm 2018 và Vinachem sẽ thoái vốn trong tương lai gần. Trên sàn CK, ngay sau khi Bộ Công Thương công bố Quyết định 686, DDV đã bật tăng 8,5% trong phiên giao dịch ngày 6-3 lên mức 8.000 đồng/CP. Thanh khoản của DDV cũng được cải thiện đáng kể, đưa CP này vào nhóm những CP được giao dịch mạnh trên sàn UPCoM.
Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) cũng vuột mốc 6.500 đồng/CP sau 3 phiên tăng trần. QBS hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất cả nước về mặt hàng phân bón DAP với khoảng 60% thị phần và khoảng 20% thị phần xuất khẩu các loại phân bón còn lại của cả nước.
Cũng như DDV, tình hình sản xuất kinh doanh của QBS được cải thiện đáng kể sau khi chính sách thuế tự vệ được áp dụng trong năm 2017. CP của 2 đại gia trong lĩnh vực phân bón đạm là CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) và CTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) cũng tăng mạnh với kỳ vọng việc áp thuế tự vệ sẽ gián tiếp đẩy giá phân urê tăng cao.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các CTCK, NĐT cần thận trọng khi mua đuổi giá với nhóm CP phân bón. Nguyên nhân do tác động từ quyết định trên của Bộ Công Thương đến hoạt động của các doanh nghiệp ngành phân bón ở thời điểm hiện tại là không quá lớn, do thuế tự vệ trên thực tế đã được áp dụng tạm thời với mức cao hơn từ 8-2017. Thực tế, nếu xét đến lợi ích dài hạn, thuế tự vệ chính thức không là động lực tăng trưởng của tất cả CP trong nhóm phân bón.
Chẳng hạn, chỉ một số ít doanh nghiệp sản xuất phân DAP được hưởng lợi nhiều nhất, các doanh nghiệp sản xuất còn lại trong ngành không được hưởng lợi. Đặc biệt, việc áp thuế tự vệ sẽ làm cho giá phân tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân, đối tượng chiếm phần lớn dân số cả nước.