Bất chấp việc TTCK đi xuống trong thời gian dài, vẫn có nhiều mã CP giữ giá khá tốt, thậm chí còn tăng trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư.
Thời điểm hiện tại, dù thị trường vừa có chuỗi phiên tăng điểm hết sức ấn tượng trước và sau tết, nhưng theo thống kê, cả TTCK đang giao dịch ở mức gần như thấp nhất trong lịch sử nếu tính theo thị giá/giá trị sổ sách (chỉ số P/B).
Trên 2 sàn hiện có tới 80% số CP giao dịch dưới giá trị sổ sách. Nếu làm phép so sánh với TTCK thế giới, giá CP Việt Nam đang giao dịch ở mức định giá thấp lịch sử là 1,0 lần giá trị sổ sách (trong khi mức thấp nhất trong giai đoạn khủng hoảng tài chính là 1,2 lần), thấp hơn 44% với các nước châu Á khác.
Thế mạnh của VNM dựa vào lợi thế "người Việt dùng hàng Việt". Ảnh: LÃ ANH |
Dẫu vậy, thị trường vẫn tồn tại nhiều mã CP giữ giá rất tốt. Có thể nhắc đến đầu tiên là mã MSN của CTCP Tập đoàn Masan. Từ mức giá 75.000 đồng/CP trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2011, đến nay giá MSN đã là 110.000 đồng/CP (tương đương tăng gần 50%).
Thế nhưng, đây chưa phải là mức giá cao nhất của mã CP này, bởi ở thời điểm giữa tháng 9-2011, CP này đã leo lên đến mức 158.000 đồng/CP (tương đương mức tăng hơn 100%).
Theo giới phân tích, các hoạt động M&A chính là chìa khóa tăng trưởng quan trọng của MSN. Với nguồn tiền mặt dồi dào, MSN chủ động tìm kiếm các thương vụ M&A nâng cao giá trị. Có ý kiến cho rằng, không một công ty khu vực tư nhân nào tại Việt Nam có thể tiếp cận nhóm các NĐT chiến lược và tài chính đa dạng như MSN.
Ước tính đến cuối năm 2011, số dư tiền mặt của MSN là 600 triệu USD. Đây là cơ sở thuận lợi để MSN thực hiện các thương vụ M&A lớn. 2 giao dịch mua lại hiệu quả và đáng chú ý của MSN trong năm qua là dự án mỏ Núi Pháo và Vinacafe.
Theo dự báo của CTCK Bản Việt, MSN sẽ đạt lợi nhuận ròng 2.700 tỷ đồng trong năm 2011. MSN đang được giao dịch ở mức P/E 2011 16,9x với EPS 5.240 đồng. P/E 2012 dự kiến là 14,9x với EPS 5.930 đồng.
Tuy nhiên, dự báo này mới chỉ xem xét yếu tố tăng trưởng hữu cơ từ các hoạt động kinh doanh hiện tại. Trong khi đó, trên thực tế, đà tăng trưởng của MSN sẽ tiếp tục ít nhất trong vòng 5 năm tới.
Không đột biến mạnh như MSN, nhưng mã VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) có độ ổn định nhất thị trường. Kể từ khi giao dịch đến nay, chưa bao giờ giá VNM chốt phiên dưới mốc giá 8.0.
Giá VNM đầu năm 2011 và cuối năm 2011 gần như không thay đổi (trung bình là 8.5) nhưng trong năm 2011, VNM có đợt sóng kéo dài từ giữa năm và đạt đỉnh 145.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 8-11), tương đương mức tăng đến 70% so với thời điểm đầu năm.
VNM luôn đứng ở mức giá cao do Vinamilk hiện là doanh nghiệp sữa hàng đầu tại Việt Nam và khu vực. Các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ sơ sinh của Vinamilk dần chiếm được thị phần khi được người tiêu dùng công nhận chất lượng và giá cả phải chăng so với sản phẩm nước ngoài. Các sản phẩm sữa cho trẻ sơ sinh chiếm 27% tổng doanh thu của Vinamilk.
Theo Ban quản trị công ty, Vinamilk đã tăng thị phần từ 22% năm 2010 lên 27% vào năm 2011. Trong năm 2012, dự báo các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh sẽ tiếp tục tăng trưởng thuận lợi nhờ 2 xu hướng chính. Đầu tiên là xu hướng "người Việt dùng hàng Việt" ngày càng trở thành sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng mong muốn góp phần phát triển sự thịnh vượng của đất nước.
Một lý do nữa là lạm phát tăng cao, người tiêu dùng chuyển từ sản phẩm nhập khẩu giá cao sang các thương hiệu trong nước có giá cả phù hợp hơn như Vinamilk. CP VNM đang được giao dịch với P/E 2011 là 11,6x với EPS 2011 là 7.286 đồng. Dự kiến P/E 2012 của VNM là 9,2x với EPS 9.218 đồng.
Dự báo năm 2012 dòng tiền khó có khả năng đổ mạnh vào thị trường để tạo ra các đợt sóng mạnh như năm 2007 hay 2009.
Thay vào đó, dòng tiền sẽ ổn định hơn và hướng đến những cơ hội đầu tư an toàn, có khả năng sinh lời ổn định, có sự minh bạch trong công bố thông tin, chất lượng quản trị công ty tốt. Đây chính là cơ sở để khẳng định những mã CP này tiếp tục giữ được độ “son” trong thời gian tới.