Hưởng lợi kép
Tiêu thụ thép những tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, khi được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng cao ở các thị trường xuất khẩu và hoạt động xây dựng trong nước phục hồi. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm trong quý I, bao gồm thép xây dựng, thép ống và tôn mạ, lần lượt đạt 4,6 triệu tấn (tăng 18,2%) và 4,4 triệu tấn (tăng 21,7%).
Sản lượng xuất khẩu tăng mạnh nhất trong mảng tôn mạ, trong khi thị trường nội địa thúc đẩy tiêu thụ thép tấm cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng và ống thép. Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), hoạt động xây dựng phục hồi và giá thép tăng đã hỗ trợ nhu cầu thép xây dựng từ các nhà bán lẻ. Cụ thể, tăng trưởng ngành xây dựng đạt 5,2% trong quý I, cao hơn so với mức tăng 4,4% cùng kỳ 2020. Hoạt động xây dựng phục hồi tại nhiều nước cũng giúp sản lượng xuất khẩu thép tăng 12,3% so với cùng kỳ những tháng đầu năm.
Các doanh nghiệp (DN) thép còn hưởng lợi khi giá thép tăng phi mã trong thời gian gần đây. Cụ thể, giá thép tăng đột biến trong tháng 3 và 4 với mức tăng cao nhất đến 45%. Theo lý giải của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nguồn cung thép trong nước không khan hiếm, giá tăng do phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất trên thế giới tăng mạnh.
Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3 ghi nhận trên 170USD/tấn (tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước).
Dự báo giá thép có thể tăng đến hết quý III, trước sự khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ. Giới phân tích dự báo giá quặng sắt tiêu chuẩn có thể lên 200USD/tấn, phá vỡ kỷ lục 194USD/tấn thiết lập cách đây 10 năm. Nguyên nhân, các lò luyện thép ở Trung Quốc đang tăng mạnh sản lượng, bất chấp nỗ lực kiểm soát của chính phủ nhằm hạn chế mức phát thải carbon của ngành thép.
Nhu cầu của Trung Quốc càng khiến thị trường quặng sắt toàn cầu thêm thắt chặt, giữa lúc thị trường này chưa thực sự phục hồi từ sau cú sốc nguồn cung xảy ra cách đây 2 năm.
Đột biến lợi nhuận
DN thép sẽ gặp bất lợi khi nguồn nguyên liệu tồn kho giá rẻ không còn.
Với các DN thép, 3 tháng đầu năm là quý thành công, đặc biệt đối với các nhà sản xuất thép phẳng hạ nguồn nhờ doanh số bán tôn mạ và ống thép tăng trưởng mạnh. Tiêu thụ tôn mạ tăng khoảng 50%, trong đó sản lượng xuất khẩu tăng 134%. Hầu hết nhà sản xuất lớn đều đang vận hành hết công suất các nhà máy tôn mạ, bao gồm CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Thép Nam Kim (NKG), CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) và CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Thép Tiến Lên (TLH).
Sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng đã giúp DN thép ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến trong quý I. Đơn cử, HPG trở thành DN dẫn đầu về lợi nhuận trên TTCK với hơn 7.000 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần cùng kỳ). HSG sau thời gian dài ngụp lặn trong khó khăn cũng bất ngờ gia nhập nhóm DN ngàn tỷ, với lợi nhuận đạt 1.035 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần cùng kỳ).
NKG, SMC cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần, thậm chí TLH tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ. Mới đây, TLH tiếp tục công bố kết quả kinh doanh tháng 4 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 115,3 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận cả quý I là 116 tỷ đồng.
Trên TTCK, CP thép cũng là nhóm ngành dẫn đầu về mức tăng khi nhiều mã CP lên đỉnh lịch sử. Đơn cử, HPG vượt mốc 63.000 đồng/CP và trở thành mã CP có vốn hóa lớn thứ 3 trên TTCK, chỉ sau VIC (Vingroup) và VCB (Vietcombank). Thời điểm này năm ngoái, cả 3 mã SMC, HSG, NKG còn giao dịch dưới mệnh giá, nhưng nay tăng vọt lên trên dưới 40.000 đồng/CP với SMC và HSG và hơn 32.000 đồng/CP với NKG.
Nổi bật nhất là TLH từ mức giá chỉ hơn 2.000 đồng/CP lên hơn 20.000 đồng/CP. CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) dù chưa thoát lỗ nhưng vẫn tăng 4 lần, từ mức giá 200 đồng/CP.
Tiềm ẩn rủi ro
NĐT đặt nhiều kỳ vọng vào nhóm CP thép do dựa trên kết quả kinh doanh mỹ mãn vừa được các DN công bố. Thế nhưng đây chỉ là kỳ vọng trong ngắn hạn, bởi nếu giá nguyên liệu cứ tiếp tục tăng, DN thép sẽ gặp bất lợi khi nguồn nguyên liệu tồn kho giá rẻ không còn.
Theo lãnh đạo một DN thép, giá nguyên liệu tăng bằng số lần, trong khi giá bán thành phẩm chỉ có thể tăng khoảng 50% sẽ khiến DN thép gặp khó khăn. Thông thường, DN mua nguyên liệu gối đầu cho từng quý, nhưng hiện phải mua nguyên liệu cho đến quý IV.
Dù rủi ro cao nhưng DN phải chấp nhận mua vào để đảm bảo nhà máy sản xuất liên tục. Thực tế này cho thấy sản xuất thép không thật sự “cứng cáp” như kỳ vọng của NĐT.
Không chỉ chịu rủi ro về giá nguyên liệu, các DN thép đang chịu nhiều áp lực từ các cơ quan quản lý do hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Cuối tháng 4 vừa qua, nhà máy thép mới của HPG tại Dung Quất (Quảng Ngãi) đã bị đưa vài diện kiểm soát chặt chẽ về môi trường.
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, qua điều tra các cơ quan chức năng xác định Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất gây ô nhiễm môi trường từ đầu năm 2021.
Điều đáng nói, dự án này được HPG quảng bá sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất than coke bằng công nghệ dập coke khô, thu hồi hoàn toàn nhiệt và khí thải, tận dụng triệt để sản phẩm phụ để phát điện, phục vụ trở lại sản xuất. Toàn bộ nguồn nước sản xuất cũng được sử dụng tuần hoàn, không xả ra môi trường.
Bên cạnh đó, việc giá thép tăng quá cao cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Theo một chủ thầu xây dựng, giá thép tăng ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký kết, khiến ngân sách dự toán bị vượt, dẫn tới thua lỗ. Chủ đầu tư dù biết rõ khó khăn nhà thầu đang gặp phải nhưng cũng khó lòng chấp nhận giãn tiến độ thi công, vì họ cũng bị ràng buộc pháp lý về tiến độ bàn giao nhà và giá bán theo hợp đồng với khách hàng.
Tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây hệ lụy không tốt cho nền kinh tế. “Nhà nước cần xem xét hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Đặc biệt, cần có chính sách điều tiết về khung giá trần cho nguyên vật liệu, tránh tình trạng giá thép tăng bất thường và khó dự đoán như hiện nay” - vị này chia sẻ.
Hoạt động xuất khẩu thép được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực trong quý II, khi một số nhà sản xuất tôn mạ đã nhận đủ đơn đặt hàng đến giữa tháng 8.