(ĐTTCO) - Tiêu thụ thép trong quý đầu năm tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa, đã giúp cho CP thép tăng lên mức cao nhất lịch sử.
Trên TTCK, nhóm CP thép từ đầu năm đến nay dẫn đầu xu thế tăng tăng, với “đầu tàu” là HPG. Phiên giao dịch ngày hôm qua (4-5), HPG lên đỉnh lịch sử gần 60.000 đồng/CP. HPG trở thành mã CP có vốn hoá lớn thứ 3 trên TTCK, sau VIC (Vingroup) và VCB (Vietcombank).
Chỉ tính từ ngày 31-3 đến nay, HPG đã tăng từ mức giá 46.800 đồng lên gần 60.000 đồng. Nếu tính chung từ đầu năm 2021 tới nay, cổ phiếu HPG tăng hơn 40%.
HSG của Hoa Sen cũng không kém cạnh, khi tăng hơn 43% trong 4 tháng đầu năm.
Cá biệt, CP NKG của thép Nam Kim đã tăng một mạch đến 73,3%.
Mã POM (Thép Pomina) cũng tăng 46%, VGS (Ống thép Việt Đức VG PIPE) tăng 69%, SMC (Đầu tư Thương mại SMC) tăng 73%, HMC (Kim khí TP.HCM) tăng 36%… và đều là những CP đang ở hoặc sát mức giá cao nhất lịch sử.
Giá thép tăng dựng đứng trong tháng 3 và tháng 4-2021 cũng đã giúp các doanh nghiệp thép thu lãi lớn trong quý kinh doanh đầu năm, đặc biệt trong tháng 3.
Báo cáo của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết sản lượng tiêu thụ tháng 3-2021 đạt 214.036 tấn; doanh thu, lợi nhuận lần lượt đạt 4.522 tỷ đồng và 501 tỷ đồng, tăng 40% và 217% so với tháng liền kề trước đó.
Còn trong quý I, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng, trong khi quý I/2020 lãi chỉ 4 tỷ đồng.
Báo cáo tình hình thị trường tiêu thụ thép tháng 3 và quý I-2021 của Hiệp hội Thép Việt Nam, cho thấy giá thép trong thời gian qua có mức tăng phi mã. Nhiều dự báo cho biết giá thép sẽ tăng đến hết quý III-2021.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết giá thép từ tháng 3 đến hết tháng 4 đã tăng 40-45% so với đầu nam.
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, tháng 4 và tháng 5, nhu cầu tiêu thụ thép vẫn tốt. Giá bán có thể sẽ tăng thêm, để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Khó có cổ phiếu của ngành nào tăng mạnh trong 4 tháng qua như cổ phiếu ngành thép, và các cổ phiếu đều đang ở đỉnh lịch sử. Ảnh: HPG
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong quý I-2021, xuất khẩu sắt và thép Việt Nam khoảng 1,6 triệu tấn, đạt 1,8 tỷ USD, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), trong quý II, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, khi một số nhà sản xuất tôn mạ đã nhận đủ đơn đặt hàng cho đến giữa tháng 8 năm 2021. Trong khi đó, tiêu thụ thép xây dựng nhiều khả năng sẽ tăng so với quý I, do hoạt động xây dựng sôi động hơn trong quý II vì tính thời vụ và các dự án cơ sở hạ tầng lớn đang được triển khai.
Cũng theo VDSC, hạn ngạch của EU đối với thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc tạo điều kiện xuất khẩu cho các nhà sản xuất Việt Nam kể từ nửa đầu năm 2020. Bên cạnh đó, giá thép phẳng có sự chênh lệch cao giữa Việt Nam và các thị trường này, mang đến mức lợi nhuận cao hơn cho các nhà xuất khẩu.