Cổ phiếu thép qua cơn bĩ cực?

(ĐTTCO) - Dù sản lượng tiêu thụ những tháng đầu năm 2020 chưa thể phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thị trường thép đã có những tín hiệu tích cực. Đây là yếu tố giúp nhóm CP thép ghi nhận đợt sóng tăng trong thời gian gần đây, dù rủi ro vẫn còn rất lớn.

Ảnh minh họa: LONG THANH
Ảnh minh họa: LONG THANH
Tín hiệu hồi phục
Theo thống kê, tổng sản lượng tiêu thụ thép lũy kế 8 tháng năm 2020 giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ tất cả nhóm sản phẩm ngành thép đều đi xuống, ngoại trừ tôn mạ. Thép cuộn cán nóng đối mặt với đợt giảm mạnh, trong khi doanh số mảng thép xây dựng giảm gần 6% lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tiêu thụ thép ống tiếp tục đi ngang, còn sản lượng tôn mạ tăng nhẹ so với cùng kỳ. Nhìn chung, nguyên nhân chính cho mức tăng trưởng âm do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Ngành thép chịu tác động lớn khi các dự án bị đình trệ, thậm chí ngừng hoạt động do các đợt giãn cách xã hội, cũng như ảnh hưởng từ các yếu tố khác tác động.
Tuy nhiên, nhu cầu thép cho sản xuất công nghiệp vẫn tương đối mạnh mẽ, ngược lại nhu cầu thép cho xây dựng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Số lượng dự án mới trong thị trường nhà ở và bất động sản thương mại vẫn thấp do triển vọng trung hạn kém khả quan, khi lệnh cấm bay quốc tế vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn, ảnh hưởng lên hoạt động du lịch và thương mại quốc tế. 
Đáng chú ý, trong tháng 8 sản lượng tiêu thụ tăng đáng kể so với năm ngoái. Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 2,34 triệu tấn (tăng 11,36% so với tháng 7), bán hàng thép các loại đạt hơn 2,07 triệu tấn (tăng 5,88%), xuất khẩu thép các loại đạt 462.138 tấn (tăng 8,81%). 
Ngoại trừ thép cuộn cán nguội, tất cả mảng phụ khác ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Đơn cử, phân khúc thép xây dựng với sản lượng tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng âm, nhưng doanh số trong tháng 8 bất ngờ tăng 15%. Hay mặt hàng thép ống, mảng có ít sự phụ thuộc nhất vào thị trường xuất khẩu, đã phục hồi thành công dựa trên nhu cầu trong nước tương đối khỏe mạnh về nhà ở, bất động sản công nghiệp và hoạt động sản xuất. Đây có thể xem là tín hiệu cho sự phục hồi của cả thị trường thép trong nước và xuất khẩu.
Sóng tăng ấn tượng
Tín hiệu hồi phục của thị trường tiêu thụ cũng chính là nguyên nhân giúp nhóm CP thép ghi nhận mức tăng ấn tượng so với các nhóm ngành còn lại. Thậm chí, nhiều mã CP thép từ mức giá sau thời gian khá dài giao dịch dưới mệnh giá, bất ngờ khôi phục lại mốc giá quan trọng này. Đơn cử, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ở thời điểm đầu tháng 4 giao dịch dưới mốc 5.000 đồng/CP, nhưng nay tăng vượt mốc 15.000 đồng/CP (tương đương mức tăng hơn 3 lần - mức giá đỉnh của HSG trong vòng 3 năm trở lại đây).
Cũng trong khoảng thời gian này, CTCP Thép Nam Kim (NKG) tăng từ mức dưới 5.000 đồng/CP lên hơn 8.500 đồng/CP (tăng 70%). Tương tự, CTCP Tập đoàn Thép Hòa Phát (HPG) tăng từ 16.000 đồng/CP lên hơn 26.000 đồng/CP (tăng hơn 60%).
Có thể nói, động lực tạo sóng của HPG bắt nguồn từ sản lượng tiêu thụ đột biến trong tháng 8. Lũy kế 8 tháng 2020, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt 2,13 triệu tấn (tăng 20%). Thị phần ước tiêu thụ thép xây dựng 8 tháng của HPG vươn lên mức 32%, tăng 6% so với 26% của năm 2019. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm khác của HPG cũng có mức tăng trưởng tiêu thụ tốt, cụ thể tiêu thụ ống thép đạt 497.000 tấn (tăng 3%), phôi thép vuông cũng đạt mức 1,17 triệu tấn. 
Trong khi đó, sức nóng từ HSG xuất phát từ kết quả kinh doanh đột biến trong quý, với lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đạt 701 tỷ đồng (tăng 153% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 175% kế hoạch cả năm). Niên độ tài chính của HSG bắt đầu từ quý IV-2019 đến hết quý III-2020. Đây là quý thứ 2 liên tiếp HSG báo lãi sau chuỗi ngày dài kinh doanh thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp thép cũng bắt đầu ghi nhận lợi nhuận dương sau thời gian kinh doanh bết bát, như CTCP Thép Việt Ý (VIS), CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (TNS).

Tiềm ẩn rủi ro
Theo báo cáo tài chính quý II của HPG, lũy kế lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 5.060 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 39.654 tỷ đồng. Với kết quả này, HPG công bố hoàn thành hơn 46% kế hoạch doanh thu và 56,2% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Mảng nông nghiệp đem về cho HPG 841 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 109 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí giá quặng đầu vào tăng mạnh trong khi giá thép thành phẩm đầu ra chưa có nhiều cải thiện, là yếu tố khiến NĐT thận trọng hơn khi đầu tư vào HPG. Do quặng sắt là nguyên liệu chính để sản xuất thép xây dựng của HPG, nên diễn biến giá quặng sắt tăng cao nhưng giá thép xây dựng lại giảm có thể khiến biên lợi nhuận của tập đoàn đảo chiều.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sau nhiều tháng giảm sâu, giá thép nguyên liệu đã tăng trở lại trong tháng 8 và hiện đang giao dịch ở mức 115-118USD/tấn, tăng 9-12USD/tấn so với đầu tháng 7 và tăng 30USD so với đầu tháng 5. Đồng thời, giá nguyên liệu này cũng đã đạt mức tương đương với giá cao kỷ lục ghi nhận vào tháng 7-2019 do sự cố vỡ đập ở mỏ Vale (Brazil). Giá thép phế liệu cũng tăng từ 251USD/tấn thời điểm tháng 5 lên 280USD/tấn đầu tháng 8, giá cuộn cán nóng (HRC) cũng tăng mạnh trong 2 tháng gần đây, lần lượt lên 450USD/tấn và 490USD/tấn, đang tiến sát mức trên 500USD/tấn cùng kỳ năm trước. 
Giá quặng thép tăng cao cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp thép trong những tháng cuối năm. Đơn cử, HSG với quy trình sản xuất bắt đầu từ nguyên liệu chính là thép HRC, tạo ra thép cán nguội và đến sản phẩm cuối cùng tôn. Do vậy, giá HRC tăng trong những tháng qua có thể khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nửa đầu năm 2019, khi giá HRC neo ở mức cao trên 500USD/tấn đã khiến biên lợi nhuận gộp của tập đoàn này chỉ đạt mức 11,3% và 13,4%. Sang nửa đầu năm nay, giá HRC giảm dần có lúc xuống 400USD/tấn, đẩy biên lãi gộp HSG tăng lên 17,3% và 14,7%.
 Dù giá nguyên liệu tăng nhưng các doanh nghiệp không thể tăng giá bán nhằm mở rộng thị phần, thậm chí để duy trì được thị phần như hiện tại. Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp thép khó có sự đột phá như trong quý II vừa qua.

Các tin khác